Sẽ lên UpCoM nếu bắt buộc
Trong mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều cho biết, sẽ sớm đưa cổ phiếu lên sàn UpCoM trong năm 2016.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long (Kienlong Bank) tại ĐHCĐ thường niên 2016 vừa diễn ra cho biết, năm nay, Kienlong Bank sẽ đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UpCoM nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).


NHNN đã nhiều lần hối thúc các ngân hàng thương mại cổ phần lên sàn chứng khoán


“Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán sẽ minh bạch hoạt động của ngân hàng, tạo thuận lợi trong việc giao dịch của cổ đông, tuy nhiên, do diễn biến thị trường thời gian qua chưa thuận lợi, cổ phiếu ngành ngân hàng chưa được quan tâm nhiều từ các nhà đầu tư, nên niêm yết sẽ không có lợi nhiều cho cổ đông”, ông Thắng nói.
Tại ĐHCĐ của Ngân hàng Phương Đông (OCB) ngày 14/4 vừa qua, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cũng cho hay, khi thị trường thích hợp sẽ đưa cổ phiếu OCB lên giao dịch trên thị trường UpCoM trong năm nay.
Còn ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tại ĐHCĐ đã cho biết, theo quy định, hết năm 2016 ngân hàng phải lên sàn hoặc niêm yết UpCoM. Do đó, VPBank đang tiến hành các thủ tục để lên sàn và đang chờ hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Không những vậy, VPBank còn lên kế hoạch bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài.
Thực tế, trong thời gian 1 - 2 năm trước, khá nhiều ngân ­­­hàng từng có ý định niêm yết cổ phiếu trên sàn, nhưng đến nay vẫn án binh bất động, lý do thị trường chứng khoán không thuận lợi hoặc phải ưu tiên cho những mục tiêu khác. Chẳng hạn, Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) nhiều lần cho biết, sẽ niêm yết cổ phiếu và kế hoạch này đã được trình ĐHCĐ thông qua. Tuy nhiên, do xảy ra khủng hoảng và thị trường chứng khoán sụt giảm, nên DongA Bank đã hoãn kế hoạch niêm yết vô thời hạn. Đến tháng 8/2015, Dong A Bank rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt nên việc niêm yết cổ phiếu để nâng cao tính thanh khoản xem như hủy bỏ.
Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank) cũng có kế hoạch lên sàn HOSE cách đây vài năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện, do thị trường chứng khoán sụt giảm.
Chỉ niêm yết khi thuận lợi
Đáng nói trước đó, NHNN đã nhiều lần hối thúc các ngân hàng thương mại cổ phần lên sàn chứng khoán. Tại văn bản 657/NHNN-TTGSNH hồi đầu năm 2015, Thống đốc NHNN đã yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính trên địa bàn chưa niêm yết cổ phiếu hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, đồng thời theo dõi, giám sát việc triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu của các đơn vị trên địa bàn; kịp thời báo cáo và đề xuất Thống đốc NHNN các biện pháp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Nhưng đó vẫn không phải lần đầu tiên, NHNN đưa ra yêu cầu niêm yết cổ phiếu đối với các ngân hàng thương mại cổ phần. Vào cuối năm 2013, UBCKNN và NHNN cũng đã hối thúc các ngân hàng cổ phần đại chúng lên sàn để tăng cường kiểm soát và bóc tách dần tình trạng sở hữu chéo. Đến tháng 7/2014, NHNN và UBCKNN nhắc lại chủ trương trên và đưa ra lộ trình trong năm 2015, tất cả các ngân hàng thương mại phải niêm yết. Nhưng kết quả, chỉ có Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) niêm yết cổ phiếu tại HOSE.
Tính đến nay, các ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) và HOSE gồm có Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, Eximbank, Sacombank, MBbank và SHB.
Trước thực tế này, chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ủng hộ chủ trương các ngân hàng phải niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán hoặc ít nhất phải niêm yết trên sàn UpCom, dù cho rằng, do thị trường và hoạt động của ngân hàng còn nhiều khó khăn nên không dễ thực hiện chủ trương này trong năm nay.
Vân Linh

Theo baodautu.vn