Diễn biến VN-Index phiên ngày 4/5


Đúng như kỳ vọng, đà bắt đáy cuối phiên sáng đã giúp VN-Index chính thức đảo chiều tăng điểm trong phiên chiều. Tuy nhiên, chốt phiên, chỉ số này vẫn chưa thể chinh phục dược mốc kháng cự 600 điểm.
Trong phiên giao dịch sáng, khi VN-Index bị đẩy về gần ngưỡng 590 điểm, lực cầu bắt đáy đã giúp chỉ số này hồi phục trở lại và thiếu chút may mắn để lên được mốc tham chiếu.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, lực cầu tốt này sẽ được duy trì và giúp VN-Index có được phiên tăng điểm sau kỳ nghỉ lễ sau 2 năm liên tiếp mất điểm trong phiên này.
Đúng như kỳ vọng, lực đỡ tốt từ một số cổ phiếu lớn trong phiên giao dịch sáng nay đã tạo hiệu ứng tích cực hơn trong phiên giao dịch chiều. Nhờ đó, VN-Index tiếp tục hồi phục và đều đóng cửa trong sắc xanh sau phiên giao dịch chiều nay. Tuy nhiên, HNX-Index lại không có được may mắn này, nhất là khi sức ép từ nhóm cổ phiếu dầu khí có phần gia tăng.
Thị trường cân bằng, cầu bắt đáy vẫn hoạt động tương đối tích cực giúp thanh khoản thị trường có sự cải thiện nhẹ ở phiên chiều này. Kết phiên, tổng giá trị trên 2 sàn đạt 2.700 tỷ đồng, tương ứng hơn 175 triệu đơn vị.
Đóng cửa, với 119 mã tăng và 120 mã giảm, VN-Index tăng 0,7 điểm (+0,12%) lên 599,07 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 1,32 điểm (+0,22%) lên 602,57 điểm với 13 mã tăng và 13 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 142,76 triệu đơn vị, giá trị 2.368,51 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11 triệu đơn vị, giá trị gần 217 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận 1,979 triệu cổ phiếu KBC, giá trị 26,9 tỷ đồng và hơn 5,5 triệu cổ phiếu KSA, giá trị 33,22 tỷ đồng.
Với 100 mã tăng và 114 mã giảm, HNX-Index giảm 0,01 điểm (-0,02%) xuống 80,67 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,16 điểm (-0,11%) xuống 142,73 điểm với 8 mã tăng và 14 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,73 triệu đơn vị, giá trị 541,43 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ 7,61 tỷ đồng.


Diễn biến HNX-Index phiên ngày 4/5


Trên HOSE, đã có nhiều cổ phiếu lớn giao dịch tích cực hơn, qua đó tạo lực đỡ cho chỉ số sàn này. VNM tăng 3.000 đồng, MSN tăng 1.000 đồng, BVH tăng 500 đồng, DPM tăng 700 đồng… SBT tăng 400 đồng lên 33.600 đồng/CP và khớp 1,27 triệu đơn vị.
HPG tăng 1.500 đồng lên 33.600 đồng/CP và khớp tới 6,4 triệu đơn vị. Các cổ phiếu thép khác như HSG, TLH, NKG, VIS, VGS… cũng đều đồng loạt tăng giá mạnh. Trong đó, HSG, TLH, VIS giữ nguyên sắc tím. HSG khớp lệnh 1,93 triệu đơn vị và còn dư mua trần. TLH, VGS khớp lần lượt 1,33 và 1,8 triệu đơn vị.
Ngược lại, trụ VIC giảm mạnh 1.500 đồng; các mã BID, STB, CTG, REE, KDC, FPT… cũng chìm trong sắc đỏ. BID giảm 200 đồng về 17.300 đồng/CP và khớp 1,42 triệu đơn vị.
Đối với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền tiếp tục tập trung mạnh, song đa phần là giảm điểm trước sức ép bán ra khá lớn.
Với kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2016 vừa chính thức được công bố, HAG và HNG cùng có lãi ròng giảm mạnh 77% và 12% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn tương ứng 69,35 tỷ đồng và 93,7 tỷ đồng. Tình hình vay nợ tại thời điểm cuối kỳ đều tăng so với đầu năm, HAG đã vượt 28.000 tỷ đồng, còn HNG là hơn 18.780 tỷ đồng.
Với kết quả này, không lạ khi cặp đôi này cùng nhanh chóng giảm sàn trong phiên chiều nay. HAG về mức 7.500 đồng/CP (tức giảm 500 đồng), còn HNG xuống 8.000 đồng/CP (cũng giảm 500 đồng), khớp lệnh lần lượt 4,25 triệu và 3,16 triệu đơn vị.
Tương tự, với tình hình kinh doanh không mấy khả quan, VHG cũng giữ nguyên mức giá sàn 5.000 đồng/CP và khớp lệnh 8,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, FLC đã về được mốc tham chiếu 6.800 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với hơn 11,4 triệu đơn vị được khớp.
Sức cầu đã không được thể hiện tốt như phiên sáng nên HHS vẫn chưa thể lấy lại sắc tím, giữ mức tăng 400 đồng lên 8.700 đồng/CP. Được biết, HHS dự kiến sẽ mua lại 5 triệu cổ phiếu quỹ.
Nhóm khoáng sản tiếp tục giao dịch tích cực, với sắc tím của KSA, DHM, BGM, LCM đi kèm thanh khoản tốt.
Đặc biệt, KSA dù có kết quả kinh doanh quý I/2016 cũng chẳng mấy tích cực khi chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng, giảm tới 46% so với cùng kỳ năm trước và mới hoàn thành chỉ vỏn vẹn 4% kế hoạch lợi nhuận đề ra, song khối ngoại bất ngờ gom rất mạnh cổ phiếu này với số lượng mua vào lên tới gần 3,7 triệu đơn vị, mạnh nhất thị trường. Bên cạnh đó, KSA còn khớp lệnh 3,41 triệu đơn vị.
Đối với nhóm cổ phiếu dầu khí, sức ép đã được hạn chế nhiều trên HOSE, song có phần gia tăng trên HNX, nên chỉ số HNX-Index đã giảm trở lại xuống dưới mốc tham chiếu ở cuối phiên, cho dù trước đó đã tăng điểm nhẹ.
GAS giảm 500 đồng xuống 50.500 đồng/CP và khớp 1,29 triệu đơn vị. PVD giảm 200 đồng xuống 24.200 đồng/CP và khớp 1,2 triệu đơn vị. PVS giảm 500 đồng xuống 16.700 đồng/CP và khớp 1,74 triệu đơn vị. PVT đứng giá tham chiếu 11.400 đồng/CP và khớp 1,6 triệu đơn vị.
KLF dẫn đầu thanh khoản trên HNX với 3,68 triệu đơn vị được khớp.
Nguyễn Tùng (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn