Từ bao năm nay, nghề bẫy mực bằng lồng ở huyện đảo Cô Tô đã trở thành một công nghệ thú vị không dễ được tiết lộ... Ra khơi cùng con thuyền đánh mực lồng dưới cái nắng hè chang chang, chứng kiến những giọt mồ hôi mặn hơn nước biển của những ngư dân đảo Thanh Lân là những khoảnh khắc vô cùng ấn tượng...

Mực lá, thứ mực thượng phẩm với lớp cơm dày, thân giòn mà mềm, được dân sành ăn đặt lên trên cả mực ống, mực mai 1 nắng... Cùng với cá ngựa, "đanh" hà gai, ghẹ chân xanh, mực lá Cô Tô được coi là một trong những đặc phẩm, cũng bởi do chất nước mà con mực có độ ngọt hơn hẳn nhiều vùng khác.

Công nghệ "bí truyền"... Indonesia - Thanh Hóa

Gần bốn chục chiếc lồng sắt đan bằng lưới mắt cáo, to chừng chiếc tivi 14 inches, một đầu thuôn vát vào trong như miệng chiếc trúm lươn nằm chật kín chiếc sân. Một đống lá cau dại xanh um đang được cắt thành những tán nhỏ, vun thành một đống lùm lùm. Hùng nhoẻn miệng cười bí hiểm: "Đấy là tất cả bộ đồ nghề cơ bản, chỉ cần thêm một bí quyết nữa là thành những chiếc lồng bẫy mực bách phát bách trúng". Hùng cho biết, cái giống muc la này quá ngon thật, vì thế trước đây, thông thường để có được mực mà ăn, chưa tính chuyện đem đi bán thì phải thức trắng đêm.

Cứ đúng cữ đêm tuần trăng, những người thợ câu phải chèo mủng ra biển, chân thì đạp chèo, tay thì dùng mồi mà câu từng con một, may ra cả đêm mới được đôi ba cân. "Nay thì chuyện đi câu thì chỉ dành cho bọn trẻ được nghỉ hè đi làm chơi để lấy tiền mua sách vở thôi, còn dân đánh mực chuyên nghiệp đều chơi theo kiểu công nghệ ngoại cả", Hùng cười.

Cái từ "công nghệ ngoại" mà Hùng nhấn mạnh một cách tự hào chỉ được tay thợ đánh mực hào phóng tiết lộ sau nhiều chầu nhậu "tình thương mến thương" đến quắc cần câu: lá cau dại được buộc xung quanh chiếc lồng để tạo độ mát và bóng râm, đồng thời lá cau ngâm lâu dưới nước không bị mủn, có thể dùng đi dùng lại nhiều lần mới phải thay.

Và điều quan trọng nhất là phải có một chùm trứng mực lá buộc ở bên trong. Hùng lý giải, tập tính của mực lá là không ham ăn mồi, nhưng hễ thấy chùm trứng mực nào là lập tức sà vào đẻ thêm, dù có vướng các cạnh lồng cũng nhất định tìm bằng được đường để chui vào đẻ. Người đi đánh mực chỉ cần thả lồng xuống biển theo một vòng tròn, chờ dăm ba tiếng để mực chui vào, rồi lại tuần tự đi một vòng tròn kéo lồng lên.

Tuân, một thợ lặn có thâm niên đã từng bươn bả khắp các vùng biển phía Bắc, cho biết để có được cái bí quyết tưởng chừng như đơn giản ấy, dân Cô Tô đã phải biếu không biết bao nhiêu mực lá dưới biển cho dân đánh mực Thanh Hóa. Cả một thời gian dài, dân đánh mực đứng ngó tàu Thanh Hóa vào thả lồng, kĩu kịt kéo lên cả thuyền mực ống mà bó tay chịu chết, không sao học được.

Lồng mình thả ngay bên cạnh mà mực cứ chui sang lồng họ. Mãi về sau, những bạn nghề xứ Thanh mới truyền lại bí quyết quan trọng nhất: phải có trứng mực tươi buộc bên trong! Chính những bạn nghề ấy trong lúc trà dư tửu hậu cũng tiết lộ rằng họ học lỏm được từ những ngư dân Indonesia.

Cũng phải hàng tháng trời chứng kiến cái cảnh đánh chung mà người có mình không, đám ngư phủ tức chí vớt trộm dăm lồng mực của dân nghề Indonesia lên nghiên cứu, và rút ra kết luận rằng bí quyết chính lại nằm ở cái chùm trứng mực nhỏ bé kia.

Kể từ khi nắm vững mọi bí quyết, dân đánh mực Cô Tô mới đủ sức thống trị lãnh hải mực lá của mình. Nhưng trứng mực không phải là cát dưới đáy biển, bao nhiêu cũng có. Vào mùa cao điểm, giá trứng mực đắt không kém hải sâm, thậm chí không có mà mua, và phải hoàn toàn phụ thuộc vào những tàu chuyên đi lặn cá, lặn sò.

Bí thì phải tính kế, dân đánh mực sáng tạo đủ mọi cách để "nhái" trứng mực: bông gòn được cuộn lại thành cục bằng đầu ngón tay, bọc nylon bên ngoài để chống thấm rồi buộc thành chùm như chùm trứng mực.

Người không cuốn bông gòn thì nấu cháo trắng, để nguội rồi đổ vào túi nylon, kết thành chùm... Những quái chiêu đó có công hiệu không kém gì trứng mực xịn, giúp cho ngư dân Cô Tô đỡ rất nhiều công sức và tiền bạc.

Đi đánh mực lồng

Gần 4h sáng, những chiếc tàu đánh mực lồng đã nổ máy rần rần ra khơi. Tàu nhỏ thì chỉ có 2 thợ, tàu to lên tới 4-5 người, tàu nào cũng chất đầy lồng mực. Tàu đánh mực có thiết kế khá đặc biệt: những chiếc dầm gỗ to bản được đóng vào một bên mạn tàu và trùm lên cả phía đuôi tàu, chìa ra ngoài độ 2m.

Trên những dầm gỗ đó, một mặt bằng được lát cẩn thận bằng tre rộng gần chục mét vuông, tạo thành cả một giàn giáo chắc chắn chìa hẳn ra ngoài biển. Trên chiếc giàn giáo đó, hơn 50 lồng mực xếp chồng lên nhau ngay ngắn, trông như một trại nuôi ong di động khổng lồ.

Đối trọng của giàn giáo tre kia là một đống đá tảng, hòn nào hòn nấy to như quả dưa hấu, chất thành đống bên này mạn thuyền. Chúng tôi đứng lắc lư trên thứ giàn giáo kỳ lạ ấy, dưới chân là mặt biển xanh thẫm cuộn lên từng đợt sóng bạc, nếm trải một cảm giác kỳ lạ rằng biển đang lướt đi dưới chân mình.

Chiếc tàu mà chúng tôi "bám càng" là cả một gia đình ngư phủ, chủ gia đình trạc 40 tuổi cầm lái, người vợ làm nhiệm vụ lấy lồng và xếp lồng, một ông cụ và một đứa trẻ tầm 13 tuổi làm nhiệm vụ thả lồng, kéo lồng. Kết cấu của một bộ lồng đánh mực tuy đơn giản, nhưng lại phải tuân thủ chính xác từng công đoạn: buộc dây, buộc đá, buộc mồi.

Một lồng đánh mực được buộc vào 20m dây thừng to. Đoạn dây cách miệng lồng chừng 5m được buộc vào một hòn đá tảng, giúp chiếc lồng chìm nhanh và nằm ổn định dưới đáy biển. Một chiếc can nhựa loại 2,5 lít được buộc vào sợi dây, có tác dụng như một chiếc phao ngầm dưới biển. Và phía trên cùng đoạn dây là một tấm phao xốp, có tác dụng đánh dấu điểm thả lồng...

Bắt đầu đến điểm đánh bắt, không khí im lìm ngái ngủ đều đều theo tiếng máy tàu bỗng bị phá tan. Mọi người hối hả rầm rập chạy trên boong tàu chuẩn bị. Xô trứng mực được bê ra đặt sát mạn tàu, cứ mỗi chiếc lồng được bê đến là cậu bé nhanh chóng lấy ra một mồi mực, thò tay buộc vào bên trong lồng.

Trong khi đó, ông già thắt đầu dây buộc kèm tảng đá vào dây lồng, rồi ném xuống biển. Chiếc lồng mau chóng mất hút dưới làn nước đã chuyển sang màu xanh lam dưới ánh bình minh. Cứ mỗi khoảng cách chừng 100m, một chiếc lồng lại được thả xuống biển. Và qua hơn 2 tiếng đồng hồ, hơn 50 chiếc lồng câu đã được thả hết, tạo thành một vệt phao xốp trắng xóa trên mặt vịnh Thanh Lân.

Quãng thời gian gần 4 tiếng đồng hồ chờ đợi cho mực vào lồng là giai đoạn nhàn nhã và buồn tẻ nhất trong cả buổi đánh mực lồng. Dưới cái nắng hè chang chang, sàn tàu bằng gỗ mà cũng trở nên nóng giãy, khó đặt được chân lên. Nắng rát tay rát chân, chỗ nào da thịt hở ra ngoài là như phải bỏng.

Người phụ nữ chân tay mặt mũi che kín mít bắt đầu lúi húi chuẩn bị cho bữa cơm trưa. Ông Lãm, người cao tuổi nhất trên tàu mực cho biết hầu hết mọi người đều ăn trưa từ 11h, để 12h bắt đầu kéo lồng. Ông cho biết hồi mới học được cách đánh lồng, mực nhiều lắm, mỗi chuyến đi thế này cũng phải được ngót nghét tạ mực.

Giờ người khôn của khó, mực dưới biển sinh sản cũng không kịp cho con người đánh bắt. "Thì anh tính, đến trứng mực mà còn khó kiếm như thế, thì lấy đâu ra mực to, mực ngon nữa", ông cười phân trần, mắt vẫn đăm đắm dõi theo những vệt phao trắng đang nhấp nhô trên sóng.

Lời của ông Lãm không phải là ngoa ngôn. Khi đi theo những chuyến tàu lặn sò, tôi đã chứng kiến cảnh những tàu câu mực liên tục quệt qua hỏi mua trứng mực. Chủ tàu lặn có một xô trứng mực mà cũng không bán, nói là để dành cho bạn nghề.

Dương, một chủ tàu lặn sò ở đảo Thanh Lân cho biết ngày xưa trứng mực nhiều vô kể, cứ mỗi buổi lặn về, thợ lặn còn cải thiện thêm được hàng xô trứng. "Giờ thì hết rồi, vào mùa cao điểm bắt mực lá, người ta đa phần phải dùng trứng giả. Ngay cả những người dùng trứng thật cũng đã phải tìm cách "quay vòng", tức là ngay sau khi kéo lồng lên, người ta phải gỡ ngay trứng mực ra, cho vào một xô nước biển sạch. Mỗi lần "quay vòng" như vậy thì cũng đủ mồi dùng được mấy ngày", Dương giải thích.

... Đúng 12h trưa, chiếc tàu đánh mực lá nổ máy, nhổ neo bắt đầu kéo lồng. Người lái tàu điệu nghệ điều khiển tàu chạy lúc chậm lúc nhanh, lựa thế cho người vớt lồng thuận tay thao tác. Cậu bé nhỏ tuổi nhất tàu đứng chênh vênh trên mũi, tay cầm một cây gậy dài, đầu có móc sắt, nhanh tay móc vào đầu phao nổi vắt xuống phía boong.

Ông Lãm chụp lấy đầu sợi dây, hợp lực cùng với cậu bé còng lưng kéo lồng. Tiếng chão nilon cứa vào mạn tàu nghe ràn rạt. Cả hai hì hục kéo được một lúc thì chiếc can hiện ra, rồi đến tảng đá, rồi đến chiếc lồng sắt. Những người đánh mực lại làm những thao tác ngược lại, tháo đá, tháo mồi, rồi lại vác lồng đi cất.

Gần một chục chiếc lồng được kéo lên một cách nặng nhọc mà không hề có một con mực nào. Ông Lãm quay lại cười động viên chúng tôi lăm lăm máy ảnh chực chụp mấy lần đang ngẩn người ra thất vọng. Có lẽ chuyện này đã quá quen thuộc với ông!

Chúng tôi rời thuyền khi chừng ba chục chiếc lồng kéo lên mà những con mực lá mới chỉ xâm xấp đáy chiếc thùng nhựa. Gia đình ông Lãm vẫn miệt mài còng lưng kéo lồng dưới cái nắng chang chang với một vẻ nhẫn nại vô tận như thể đã thành thói quen.

Nắng chang chang hắt xuống mặt biển tạo thành những làn hơi nước kỳ ảo bốc lên xung quanh con thuyền, làm mờ mịt đi bóng hình 2 ông cháu đang còng lưng kéo chão bên mạn tàu, làm mờ mịt đi cả cái dáng mảnh khảnh của cô con dâu đang oằn lưng vác những chiếc lồng sắt đi chênh vênh trên chiếc giàn giáo kỳ lạ lênh khênh giữa biển khơi...
Đánh xong mực xong, màn đêm buông xuống. Chúng tôi làm ngay món mực hấp gừng để thưởng thức sau một ngày hăng say làm việc