Trao đổi với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, nguồn tin từ Công ty TNHH Holcim Việt Nam xác nhận, Tập đoàn đang tính toán lại phương án kinh doanh tại các thị trường, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, thông tin cuối cùng về việc này hiện chưa được công bố chính thức.


Holcim là một trong những Tập đoàn xi măng lớn, có thâm niên hoạt động đầu tư tại Việt Nam trên 20 năm.


Được biết, Holcim cũng đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng thông báo về kế hoạch kinh doanh của hãng tại Việt Nam.
Được biết, Vicem hiện là cổ đông nắm giữ 35% cổ phần của Holcim Việt Nam.
Trước đó, Công ty TNHH Holcim Việt Nam, thành viên của tập đoàn Holcim (Thụy Sỹ) và Công ty TNHH Lafarge Việt Nam, thuộc Tập đoàn Lafarge (Pháp) đã chính thức về “chung nhà” sau một thời gian công bố sáp nhập với tên mới là Lafarge Holcim.
Theo đó, Công ty TNHH Lafarge Việt Nam trở thành công ty con của Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam. Quá trình sáp nhập giữa hai doanh nghiệp sản xuất xi măng này đã hoàn thành vào cuối năm 2015.
Sự kiện sáp nhập của 2 nhà sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng này này đã đưa LafargeHolcim trở thành doanh nghiệp mới dẫn đầu trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng toàn cầu, trong đó, riêng lĩnh vực sản xuất và cung ứng xi măng tại thị trường Việt Nam đạt tới 6 triệu tấn.
Tại Việt Nam, các sản phẩm của Lafarge và Holcim vẫn giữ nguyên thương hiệu trên thị trường như Lavilla (Lafarge) và Holcim Power-S (Holcim).
Holcim là một trong những Tập đoàn xi măng lớn, có thâm niên hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Tính đến thời điểm này, Công ty TNHH Holcim Việt Nam, thành viên của tập đoàn Holcim (Thụy Sỹ) đã đánh dấu mốc hơn 22 năm vào thị trường Việt Nam với hệ thống Nhà máy xi măng công suất 3,4 triệu tấn, đầu tư, sản xuất kinh doanh bài bản theo Holcim toàn cầu.
Trong khi đó, Tập đoàn Lafarge có mặt tại Việt Nam muộn hơn, từ năm 2001 khi tham gia liên doanh với một công ty bê tông trộn sẵn. Lafarge phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam từ năm 2006 khi giới thiệu ra thị trường một loạt sản phẩm của nhà máy nghiền xi măng tại Đồng Nai và một mạng lưới 4 trạm trộn bê tông xung quanh TP. Hồ Chí Minh.
Tại Việt Nam, LafargeHolcim về chung nhà, đưa quy mô công suất lên 6 triệu tấn, đã vươn lên trở thành DN FDI có quy mô đứng đầu, trước cả Nghi Sơn, Phúc Sơn…và tạo ra tiềm lực hùng mạnh hơn không chỉ về quy mô mà thừa hưởng cả hệ thống khách hàng tại nội địa.
Ở quy mô toàn cầu, việc sáp nhập giữa 2 Tập đoàn này tạo ra một Công ty Vật liệu xây dựng lớn nhất trên thế giới, hoạt động tại 90 quốc gia và sẽ có sự cân bằng giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển với mức tăng trưởng mạnh.
Về xi măng, tổng công suất của Tập đoàn Holcim khi chưa sáp nhập là 200 triệu tấn, sẽ nâng lên thành 250 triệu tấn. Đặc biệt, doanh thu hàng sẽ tên tới 44 tỷ Euro và giá trị tài sản sau sáp nhập trên thị trường chứng khoán đạt 55 tỷ Euro.
Kinh doanh trong lĩnh vực xi măng tại Việt Nam đã không còn thuận lợi như những năm về trước, do ngành hiện có năng lực sản xuất lớn, nguồn cung lớn hơn so với nhu cầu, khiến các nhà sản xuất xi măng trong và ngoài nước đều chật vật hơn.
Tổng công suất thiết kế toàn ngành hiện vào khoảng 81,56 triệu tấn, trong khi đó Bộ Xây dựng tính toán nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2016 khoảng 75-77 triệu tấn, tăng 4,-7% so với năm 2015, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 59-60 triệu tấn, xuất khẩu 16-17 triệu tấn.
Dự kiến ngay cuối năm nay có thêm 4 triệu tấn nữa từ Nhà máy xi măng Sông Lam, công suất sẽ tiếp tục được tăng lên, cạnh tranh dữ dội về tiêu thụ giữa các nhà sản xuất xi măng trong nước.
Thế Hải

Theo baodautu.vn