Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế các doanh nghiệp lớn


Kết quả thanh tra của ngành thuế cho thấy, trong vài năm qua đã có tới hàng trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên cả nước liên tục khai lỗ, trốn thuế với số tiền bị truy thu, truy hoàn lên tới nghìn tỉ đồng.
Đại diện Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế các doanh nghiệp lớn đã có những trao đổi liên quan đến các hình thức trốn thuế, các biện pháp thu hồi thuế của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Ông có thể cho biết doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thường áp dụng các hình thức trốn thuế nào tại Việt Nam thời gian qua?
Có 2 hình thức trốn thuế và tránh thuế. Dù là hai phạm vi khác nhau nhưng đều có mục đích giống nhau là gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước (NSNN). Trong đó, trốn thuế là hành vi bất hợp pháp khi một doanh nghiệp tính đủ thuế vào giá bán cho người tiêu dùng, nhưng không kê khai nộp vào NSNN, hoặc kê khai ít hơn với số thuế đã thu thì đây chính là hành vi ăn cắp trắng trợn và cần lên án.
Còn đối với hành vi tránh thuế, mặc dù không phải là hành vi bất hợp pháp nhưng người nộp thuế biết tận dụng kẽ hở để giảm thiểu mức thuế phải nộp. doanh nghiệp được giảm thiểu nghĩa vụ thuế bằng cách chọn đầu tư, đó là cách lách thuế hợp pháp. Việt Nam đang kêu gọi đầu tư cần phải cảnh giác với những nước đến từ thiên đường thuế. Bởi các doanh nghiệp đã được ưu đãi thuế ở chính nước họ, nếu chúng ta ưu đãi thuế thì vô hình trung ta cho họ thuế, nên cần phải xem xét xuất xứ nhà đầu tư.
Hình thức thứ ba là né thuế, khi doanh nghiệp tận dụng tối đa chính sách ưu đãi đầu tư ban đầu nhưng sau khi hết khoảng thời gian này nhà đầu tư sẽ ngừng hoạt động. Việc tạo điều kiện ưu đãi cho các nhà đầu tư luôn có mục tiêu rõ ràng, nếu nhà đầu tư thực hiện đúng mục tiêu đó rõ ràng nhà đầu tư đó là chân chính. Nhưng ngược lại cũng có nhà đầu tư sau khi được hưởng ưu đãi thuế suất đã lập tức giải thể là hình thức tận dụng ưu đãi để hưởng và né thuế, đây là hành vi không văn minh.
Metro và BigC có phải đã tận dụng ưu đãi thuế của Việt Nam hay không? Và việc thu hồi thuế từ các doanh nghiệp này sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Thời gian qua ở nước ta có 2 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ là Metro và BigC. Tuy nhiên sau một thời gian kinh doanh bán lẻ, các doanh nghiệp này đều có vấn đề. Tập đoàn Metro sau một thời gian không đóng thuế, tổng cục thuế truy thu thì tập đoàn này lại bất ngờ thông báo đã thỏa thuận bán Metro Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan. Còn BigC tới đây cũng sẽ chuyển nhượng lại.
Đương nhiên ngành thuế phải có nhiều biện pháp để thu thuế với chủ đầu tư. Mặc dù tập đoàn này kêu lỗ trong thời gian dài, nhưng khi ông chủ của Metro bán cơ sở Metro dẫn đến có thu nhập thì chúng ta phải thu thuế.
Mặt khác, những doanh nghiệp pháp nhân đang có hoạt động tại Việt Nam, mặc dù ngày hôm nay họ có thể bị lỗ, nhưng tương lai có thể có lãi. Trong khi đó, thay vì lập ra doanh nghiệp mới hoàn toàn, nhiều nhà đầu tư vẫn mua lại doanh nghiệp đó trong điều kiện bị lỗ nhưng lại đang có thương hiệu. Trên thế giới vấn đề này là bình thường nhưng ở Việt Nam lại là hình thức hết sức mới mẻ.
Ngành thuế nhận thấy, tất cả hoạt động liên quan đến chuyển nhượng vốn trực tiếp và gián tiếp, sở hữu trí tuệ, thương mại, nhãn hiệu…của Metro và BigC sẽ liên quan đến quyền kinh doanh. Nhà đầu tư thay vì phải bỏ tiền ra để phát triển mạng lưới đầu tiên sẽ mua lại doanh nghiệp làm ăn bị thua lỗ với mức chi phí hợp lý hơn, do đó ngành thuế sẽ có cơ sở để thu được thuế ngay cả khi các doanh nghiệp đó bị lỗ.
Chúng ta phải khôn ngoan để không bỏ sót nguồn thu. doanh nghiệp có bị lỗ nhưng ngành thuế phải tìm cách thu thuế đúng theo quy định. Dù người ta có bị lỗ hôm nay nhưng sau đó sẽ tìm cách thu ở lúc khác, đó là trách nhiệm chung.
Từ vụ việc Hồ sơ Panama, phía Tổng cục Thuế có ý tưởng gì để quản lý tốt hơn nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam?
Chúng tôi không rõ các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện nay có liên quan đến Hồ sơ Panama hay không, vì hồ sơ này có nhiều thông tin, trọng tâm liên quan đến cá nhân.
Tuy nhiên, qua vụ việc này cũng thức tỉnh cho ngành thuế cần tăng cường tiếp cận nhiều nguồn thông tin, cần phát triển bộ phận quản lý rủi ro và tăng cường giao lưu thêm thông tin trong và ngoài nước, chia sẻ thông tin với cơ quan thuế, nắm bắt thông tin với cơ quan thuế mà ta đã ký hiệp định tránh đánh thuế 2 lần, để phối hợp giữ các cơ quan thuế.
Vừa qua chúng ta có nhiều vụ việc tranh chấp thuế với một số chính phủ các nước, tuy nhiên đối với các doanh nghiệp FDI có đầu tư vào Việt Nam, việc chuyển nhượng vốn trực tiếp, gián tiếp của nhà thầu thì chắc chắn liên quan đến hiệp định tránh đánh thuế 2 lần.
Cho nên, chúng ta phải nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức, đủ năng lực trình độ, giám sát vấn đề này, nhất là trong điều kiện đơn giản hóa thủ tục vẫn cần rà soát Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Hiệp định nào chưa phù hợp thì đàm phán lại và Hiệp định nào có rồi thì tận dụng cơ chế tối đa, khai thác triệt để lợi thế trên cơ sở những quy định hiện có.
Để giảm thiểu tối đa những hành vi trốn tránh thuế, ngành thuế cần có những giải pháp gì, thưa ông?
Để xử lý vấn đề tránh thuế và trốn thuế cần phải có nhiều giải pháp đưa ra. Né thuế không phải là nặng nề, nhưng cũng cần phải có giải pháp để hạn chế, phòng chống được hoạt động này.
Nhà nước cần rà soát lại luật pháp, đánh giá và tổng kết thực tiễn xem chính sách nào phù hợp và không phù hợp, từ đó đưa ra chính sách ưu đãi phù hợp. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng như chính quyền địa phương, quản lý thị trường, hải quan, quản lý giám sát đầu tư… không nên để phó mặc việc này cho cơ quan thuế.
Đối với ngành thuế cần tích cực tăng cường hợp tác, phối hợp, xây dựng đội quản lý rủi ro, giám sát, có thông tin cảnh báo từ xa để ngăn chặn. Đẩy mạnh việc kiểm tra sự lợi dụng của doanh nghiệp khi thấy chính phủ đang có ưu đãi thuế cao. Nếu có dấu hiệu chuyển giá cần phải được thỏa thuận giá trước, đưa ra tỷ lệ thuế cao để tạo cơ sở nguồn thu cho tương lai.
Xin cảm ơn ông!.
Nguyễn Quỳnh (VOV)

Theo baodautu.vn