Có thể thấy trong lúc vấn đề cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đang ách tắc thì việc Chính phủ ban hành Nghị định 101/2015/NĐ-CP cho phép điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất; không hạn chế chiều cao công trình nếu quy hoạch của khu vực cho phép; cùng với việc Hà Nội cho phép xây cao tầng đối với nhiều dự án tại khu vực nội đô, Sở Xây dựng Hà Nội đang hoàn thiện sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để thay thế Quyết định 48 trước đây thì đây chính là những hành lang pháp lý cơ bản với các giải pháp hữu hiệu sẽ giúp Hà Nội đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ...tại đây

Tuy nhiên, xung quanh dự thảo quy định mới của Sở Xây dựng về cơ chế, chính sách đền bù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều từ ngay phía các chủ đầu tư.

Ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng (Cienco 1) khẳng định hầu hết các dự án cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội vướng mắc do mâu thuẫn về lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Do vậy, Nhà nước hay thành phố, với vai trò hoạch định chính sách cần phải gỡ được bản chất của vấn đề đang tồn tại, phải làm trọng tài để có một tiếng nói chung. Thành phố không nên để doanh nghiệp tự thỏa thuận với các hộ dân, mà cứ áp dụng chung hệ số tái định cư bằng 1 (có nghĩa là tái thiết cho các hộ dân một diện tích ở mới tốt hơn nơi ở cũ), còn đối với phần diện tích mua thêm các hộ phải trả theo giá thành xây dựng.

Theo ông Thắng, thành phố nên nghiên cứu chỉ cho phép chủ đầu tư thu 10% lợi nhuận, phần còn lại xem xét đưa về quỹ bình ổn của thành phố để điều tiết các khu khác. Bởi thực tế, mỗi dự án có đặc thù khác nhau, nếu vị trí thuận lợi sẽ khai thác được 200-300%, nhưng có dự án không được 100% thì việc kêu gọi nhà đầu tư rất khó.