Phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ là vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm nhất. Liên quan đến vấn đề này, nhiều cổ đông chất vấn liệu phương án phát hành riêng lẻ 10% vốn điều lệ có bị hoãn như nhiều ngân hàng khác, liệu cổ đông chiến lược Mizuho có tham gia hay không.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch ĐHQT Vietcombank khẳng đinh, hiện Vietcombank chưa nhận được văn bản chính thức của Mizuho, song với hiệu quả hoạt động của Vietcombank thời gian qua, đồng thời qua làm việc giữa hai bên, lãnh đạo Vietcombank nhận định, Mizuho Bank Việt Nam đang trình ngân hàng mẹ và khả năng Mizuho sẽ bỏ thêm tiền để giữ vững tỷ lệ sở hữu 15%.
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại Vietcombank là 20,9%, trong đó Mizuho là 15%. Theo quy định, room sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài là 30% và với một nhà đầu tư là 20%, tức Vietcombank vẫn còn thừa room tới 10%. Nếu Vietcombank phát hành thành công riêng lẻ 10% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2016, room sở hữu đã chạm sát 30%.
Lãnh đạo Vietcombank cũng tin tưởng, phương án phát hành riêng lẻ 10% vốn điều lệ năm nay sẽ thành công. Tại roadshow vừa qua, Vietcombank đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư đạt tiêu chí do ngân hàng đề ra.
Một nhóm vấn đề nữa được nhiều cổ đông quan tâm đặt câu hỏi chất vấn là giảm tỷ lệ sở hữu của Vietcombank tại nhiều tổ chức tín dụng khác. Hiện Vietcombank đang sở hữu cổ phần tại 4 tổ chức tín dụng và 1 công ty tài chính.
Về vấn đề này, ông Nghiêm Xuân Thành khẳng định, hiện Vietcombank đã xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước và được cho phép giữ tỷ lệ sở hữu tại MB. Ngoài MB, Vietcombank đang sở hữu vốn tại Eximbank, OCB và SaigonBank, trong đó tổng vốn sở hữu tại OCB và Saigonbank chỉ trên 100 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản của Vietcombank.
“Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép Vietcombank duy trì tỷ lệ góp vốn tại Vietcombank. Quan điểm của Vietcombank là sẽ giảm vốn tại các tổ chức tín dụng khác, dự kiến sẽ chỉ sở hữu vốn tại hai tổ chức tín dụng nhưng giảm vốn ở tổ chức tín dụng nào thì sẽ căn cứ vào tín hiệu thị trường và tín hiệu của các tổ chức tín dụng đó”, ông Thành nói.
Về sáp nhập tổ chức tín dụng khác, ông Thành cho hay, Vietcombank vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác phù hợp và sẽ báo cáo cổ đông khi thích hợp.
Trước thắc mắc của cổ đông về kết quả kinh doanh quý I/2016, ông Nghiêm Xuân Thành cho hay, trong quý I, Vietcombank tăng trưởng rất khả quan: tín dụng tăng 6,7%, nợ xấu giảm còn 1,76%, lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro 3.600 tỷ đồng, sau trích lập dự phòng rủi ro là 2.300 tỷ đồng, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong quý I/2016I, thường là quý có tăng trưởng thấp nhất, VCB đã đạt 30% lợi nhuận cả năm, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất của Vietcombank trong nhiều năm qua.
T.L

Theo baodautu.vn