Trong năm 2016, Kho bạc Nhà nước lên kế hoạch phát hành 220.000 tỷ đồng trái phiếu, tập trung chủ yếu vào kỳ hạn 5 năm (100.000 tỷ đồng) và 3 năm (66.000 tỷ đồng). Kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội là 16.000 tỷ đồng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 25.000 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu sơ cấp tiếp tục diễn biến khả quan trong quý I/2016 sau khi ghi nhận khối lượng phát hành cao kỷ lục trong quý IV/2015. Trong quý I/2016, có 87.016 tỷ đồng trái phiếu đã được phát hành thành công trên thị trường sơ cấp, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi suất trái phiếu các kỳ hạn ngắn giảm nhẹ, trong khi lợi suất trái phiếu các kỳ hạn dài tương đối ổn định. Một số sản phẩm mới đã lần đầu tiên được đưa ra thị trường, như trái phiếu các kỳ hạn dài 20 năm và 30 năm.


Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công 73.366 tỷ đồng, tương ứng 96,5% kế hoạch quý I. Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành 600 tỷ đồng, tương ứng 31,1% kế hoạch. Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành 13.050 tỷ đồng, tương ứng 98,1% kế hoạch. Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và 3 năm hấp dẫn nhà đầu tư nhờ tính thanh khoản cao và rủi ro thấp. Do vậy, tỷ trọng phát hành cũng tập trung chủ yếu vào 2 kỳ hạn này. Có tới 49.610 tỷ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm đã được phát hành thành công, đạt 118% kế hoạch quý I và chiếm 67,6% tổng khối lượng phát hành. Theo sau là trái phiếu kỳ hạn 3 năm với 12.425 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch và chiếm 16,9% tổng lượng phát hành.
Tỷ lệ phát hành thành công trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh đạt bình quân 75,6%, cao hơn so với mức 73,5% của cùng kỳ năm ngoái. Ngoại trừ trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm chưa hấp dẫn được nhà đầu tư với tỷ lệ phát hành thành công chỉ ở mức 8,6% trong tổng số 4.000 tỷ đồng trái phiếu chào thầu, trái phiếu chính phủ các kỳ hạn còn lại đều đạt tỷ lệ phát hành thành công bình quân từ 75% đến hơn 95%.
Mặc dù cùng ra mắt lần đầu tiên trong năm nay, giống như trái phiếu kỳ hạn 20 năm, nhưng kỳ hạn 30 năm lại khá hấp dẫn, với 3.541,03 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn này được phát hành thành công trong 3.700 tỷ đồng trái phiếu chào thầu, tương đương tỷ lệ 95,7%.
Trái phiếu chính phủ bảo lãnh các kỳ hạn 3 năm và 5 năm cũng được phát hành công với tỷ lệ cao, trung bình đạt trên 92%, trong khi các kỳ hạn dài 10 năm và 15 năm không thu hút nhà đầu tư.
Trong quý I/2016, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 5 năm cùng giảm khoảng 20 điểm cơ bản, xuống còn 5,55% và 6,38%. Lợi suất trái phiếu quý I/2016 giảm điểm do một số yếu tố như nhu cầu thay thế một lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong quý (56.003 tỷ đồng), tín dụng thường tăng trưởng chậm trong quý đầu năm và tỷ giá USD/VND tương đối ổn định, thậm chí giảm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu các kỳ hạn dài trên 5 năm không đổi (trái phiếu kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm phát hành với mức giá lần lượt là 6,95%; 7,65%; 7,75% và 8,0%).
Dự báo, lợi suất trái phiếu sẽ gia tăng trong quý II/2016, do lạm phát dự kiến tăng trong thời gian tới vì một số yếu tố như giá dầu thô và giá các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng trở lại, điều kiện thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong nước, nên sẽ tác động đến giá lương thực, thực phẩm.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đang trong xu hướng tăng, nhu cầu tín dụng được dự báo tăng mạnh trong quý II để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nên vốn dành cho đầu tư trái phiếu chính phủ sẽ giảm bớt. Trong khi đó, nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ cao nhằm đảm bảo ngân sách nhà nước. Những yếu tố này sẽ khiến lợi suất trái phiếu tăng lên trong quý II/2016.
Thúy Lương (Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán VPBank)

Theo baodautu.vn