MP&Silva đang “chào bán” EPL 2016 - 2019
Trong một diễn biến mới nhất, hiện MP&Silva (đơn vị trúng thầu EPL 2016 - 2019 tại 28 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam) đã có các cuộc tiếp xúc riêng với các nhà đài Việt Nam để bán EPL 2016 - 2019. Trước đó, MP&Silva đã có văn bản gửi Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), khẳng định không bán Bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh theo kiểu "mua chung" như VNPayTV đề xuất.
Theo đó, trong văn bản MP&Silva gửi tới VNPayTV đã khẳng định, quy định của Ban tổ chức Giải bóng đá Ngoại hạng Anh đã "nghiêm cấm việc hình thành các tập đoàn đấu thầu và khẳng định không chấp nhận bất kỳ quan điểm nào mà VNPayTV đã nêu trong thư gửi họ ngày 18/3/2016. Phía MP&Silva cho biết, đơn vị này sẽ "giữ toàn quyền tìm kiếm và lựa chọn đài truyền hình tốt nhất tại Việt Nam, dựa trên kinh nghiệm thương mại và các yêu cầu do Giải bóng đá Ngoại hạng Anh đặt ra".


.


"MP&Silva đang tìm cách đa dạng hóa các gói bản quyền nhận được từ Giải bóng đá Ngoại hạng Anh, để có thể đáp ứng được số lượng đông đảo nhất các nhà khai thác truyền thông tại Việt Nam, do đó MP&Silva sẵn sàng lắng nghe lời đề nghị của bất kỳ bên nào phù hợp", MP&Silva khẳng định.
MP&Silva là một tập đoàn truyền thông quốc tế, có trụ sở chính tại London và Singapore, hoạt động trên phạm vi toàn thế giới. Doanh thu tập đoàn hàng trăm triệu USD/năm từ việc sở hữu, quản lý và phân phối bản quyền truyền hình và truyền thông của các liên đoàn thể thao, các giải vô địch, các CLB, cũng như bản quyền truyền hình của một số sự kiện thể thao quan trọng hàng đầu thế giới.
Năm 2010, chính MP&Silva đã mua được bản quyền giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải (từ 2010 đến 2013) với giá khoảng 12 triệu USD, rồi bán lại cho các nhà đài Việt Nam với giá gần 19 triệu USD.
Ngoài tầm với của các nhà đài
Sau khi MP&Silva trúng thầu, VNPayTV đã quyết định thành lập Ban đàm phán bản quyền truyền hình Giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Các đơn vị tham gia Ban đàm phán bao gồm: VTV, VTVcab, SCTV, VTC Digital, Đài truyền hình VTC, K+, Viettel, FPT, AVG và VNPT Media. Chủ trương của Ban đàm phán đề ra là: Không đơn vị nào đàm phán riêng. Mức giá không vượt quá 20% tổng mức giá bản quyền Ngoại hạng Anh 3 mùa trước và không mua gói độc quyền.
Quá trình trao đổi thương lượng giữa VNPayTV và MP&Silva bất thành, do MP&Silva không đồng ý kiểu mua chung, giá rẻ và không có các cam kết kèm theo như đơn vị nào sẽ đứng ra thanh toán, bảo lãnh, thanh toán như thế nào, phương án phân phối ra sao.
Sau các cuộc đàm phán bất thành, ngày 7/4, VNPayTV đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong công văn này, VNPayTV cũng nhận định, rất có thể các đơn vị truyền hình trả tiền Việt Nam sẽ phải chi số tiền lên tới gần 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng) để tranh mua bản quyền EPL 2016 - 2019.
“Việc bỏ ra một lượng ngoại tệ lớn trả cho nước ngoài (thực chất cũng là tiền của người dân đóng phí thuê bao truyền hình trả tiền) để mua bản quyền giải bóng đá phục vụ cho một số ít khán giả thực sự gây thiệt hại rất nhiều cho đất nước. Đó là chưa kể tới việc Nhà nước sẽ thất thu thuế khi các doanh nghiệp làm truyền hình trả tiền vì mua phải bản quyền giá cao, dẫn tới kinh doanh thua lỗ hoặc có lãi nhưng rất thấp. Trong mọi trường hợp, Nhà nước hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ việc chảy máu ngoại tệ này”, văn bản cho hay.
VNPayTV cũng nhận định, rất có khả năng có đơn vị đã “xé rào” để đàm phán riêng, phá vỡ sự đoàn kết, thống nhất cần có để có thể kiểm soát được giá mua bản quyền.
MP&Silva là Tập đoàn lọc lõi, sành sỏi và nắm bắt được tâm lý của thị trường Việt Nam. Họ hiểu rõ, Bản quyền phát sóng Giải ngoại hạng Anh là món hàng “hot” đối với các nhà đài, nên đã tìm đủ mọi cách để bán với giá cao.
Còn nhớ, mùa bóng 2010 - 2013, MP&Silva đã chia thành các gói độc quyền bán cho các nhà đài khác nhau và thu về 19 triệu USD một cách “ngon ơ”.
Tiếp tục trúng thầu EPL 2016 - 2019, MP&Silva đã sớm nhận ra “bài” của VNPayTV là kêu gọi thành viên đoàn kết, không mua lẻ để EPL “ế” và Ban đàm phán “ra tay” mua lại với giá rẻ.
Họ đã có văn bản nêu trên gửi VNPayTV từ chối việc mua chung, và bắt đầu các cuộc tiếp xúc riêng với các nhà đài Việt Nam. Trong đó, có những nhà đài có tiềm lực tài chính mạnh mẽ như K+, SCTV, VTVcab và cả các đài nhỏ khác.
Hữu Tuấn

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: