Đây là một trong những “tối hậu thư” được Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường đặt ra đối với BVEC - nhà đầu tư Dự án Xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT, đơn vị gây ra khá nhiều tai tiếng trong thời gian vừa qua.
BVEC cũng được yêu cầu phải khẩn trương nộp đủ vốn chủ sở hữu theo quy định hợp đồng trước ngày 31/5/2016.
“Sau khi nộp đủ vốn chủ sở hữu, khẩn trương nộp hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo đúng quy định”, ông Trường yêu cầu.


.


Đơn vị đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án là Ban Quản lý dự án 7 cũng được giao chỉ đạo nhà đầu tư lập phương án tài chính trên cơ sở những số liệu thực tế đến thời điểm trình Bộ, kèm theo dự thảo phụ lục hợp đồng điều chỉnh, trong đó lưu ý cập nhật chính xác thời điểm huy động vốn chủ sở hữu, vốn vay, hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cần phải nói thêm rằng, những yêu cầu này được Bộ GTVT đưa ra sau khi cơ quan quản lý nhà nước nhận được báo cáo kết quả rà soát của Ban quản lý đầu tư các dự án PPP (Bộ GTVT) về việc chấp hành các quy định pháp luật tại Dự án Xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 theo hình thức hợp đồng BOT trên địa phận tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, Dự án Xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 là dự án cấp bách, đã được các bên liên quan đầu tư hoàn chỉnh, đưa vào khai thác từ năm 2013, đã phát huy tốt hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Dự án đã được ký hợp đồng từ năm 2009, căn cứ theo quy định tại Nghị định số 78/2007/NĐ-CP (ban hành từ năm 2007) nên có nhiều điều khoản chưa rõ ràng, chế tài xử lý không chặt chẽ.
“Do vậy, trong quá trình thực hiện đầu tư, có một số tồn tại liên quan đến việc chuyển nhượng trong doanh nghiệp dự án; việc thanh, quyết toán giữa doanh nghiệp dự án với các nhà thầu, việc quyết toán chi phí đầu tư xây dựng công trình”, ông Trường đánh giá.
Dự án Xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay chiếm 90%, vốn chủ sở hữu 10%. Điều này có nghĩa BVEC phải góp vốn chủ sở hữu ít nhất là 400 tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.
Theo kết quả rà soát của Bộ GTVT, tính đến cuối tháng 3/2016, vốn góp của cổ đông mới đạt 115,4 tỷ đồng/307,5 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu phải góp theo quy định của Phụ lục Hợp đồng BOT ngày 8/5/2012), đạt 37,5%. Dự án được thực hiện từ quý I/2009 đến quý IV/2011. Theo quy định tại Điều 51, Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định đầu tư đối tác công - tư, thì sau 6 tháng dự án hoàn thành, phải tiến hành quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình, sau đó mới được tiến hành thu phí.
Tuy nhiên, Dự án Xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 đã hoàn thành đưa vào sử dụng và thu phí hoàn vốn từ 4 năm trước (năm 2012), nhưng đến nay vẫn chưa thể thanh quyết toán theo quy định. Hiện số tiền thiếu nợ các nhà thầu xây dựng dự án lên đến 300 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình gửi Bộ GTVT, ông Phạm Minh Hiệp, Tổng giám đốc BVEC chỉ xác nhận việc nhà đầu tư này đang giữ của các đơn vị thi công số tiền là 71 tỷ đồng - tiền chờ phê duyệt quyết toán, đồng thời đổ trách nhiệm chậm quyết toán A - B cho nhà thầu.
Lãnh đạo BVEC cho biết, hiện nguồn vốn khả dụng cho Dự án còn khoảng 299 tỷ đồng (chủ yếu là vốn vay tín dụng). Trong trường hợp khi hoàn thành công tác quyết toán cho các nhà thầu, khoản tiền trên nếu giải ngân hết, còn thiếu, các cổ đông cam kết sẵn sàng góp vốn bổ sung để giải ngân đủ cho các nhà thầu.
Được biết, để tránh lặp lại những tồn tại, sai sót như tại Dự án Xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước trong ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án PPP. Trong đó, các Ban quản lý dự án phải thường xuyên chủ trì tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ (theo quy định của Hợp đồng dự án) việc huy động và giải ngân vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; báo cáo Bộ GTVT xử lý trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng quy định của Hợp đồng dự án.
Anh Minh

Theo baodautu.vn