Doanh nhân Nguyễn Hồng Lam


“Con sên không buồn khi nó phải bò từng bước thật chậm qua những con đường, vì nó biết rằng từng bước chậm chạp đã tạo cho nó cơ hội được thưởng thức cái đẹp của cây cỏ ven đường, ngắm hoàng hôn xuống núi và có thể trò chuyện với những loài vật bé nhỏ”.
Câu chuyện bước đi đến thành công của ông Nguyễn Hồng Lam cũng là vậy. Không phải ngủ dậy sau một đêm mà giỏi, không phải khởi nghiệp lần đầu là có thể thành công. Từng bước đi, từng ngã rẽ trong cuộc đời ông như những hàng rào, mà nhờ nó, hình thành ý chí rắn rỏi, tinh thần thép của người đàn ông làm chủ một nhà máy sản xuất ô mai tại Khu Công nghiệp Quang Minh, và một chuỗi 16 cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu ô mai Hồng Lam.
Nếu được làm lại, ông vẫn muốn được trải qua tất cả, vẫn là những lần cố gắng vượt qua khó khăn, những lần thất bại và gây dựng lại từ đầu. Thời gian và sự thất bại đúc kết những kinh nghiệm, rèn luyện ý chí, và có thể là cơ hội chiêm nghiệm cuộc sống.
Ngã rẽ đầu tiên: Bộ đội lập nghiệp
Từ một người làm khoa học trở thành một người làm kinh doanh. Ông Lam lập cơ sở bán lẻ ô mai đầu tiên năm 1996, vào nghề năm 1991, không liên quan đến ngành học. Đầu tiên ông nhập ngũ, học tại Liên xô từ năm 75-81, Đại học tổng hợp Minkow, đến 81-91 ông làm tại Tổng cục chính trị, quân đội. Một đòn bẩy bé sẽ không thể tạo nên những thành công lớn, ông thấy môi trường quân đội không thích hợp và tự thấy mình có ích hơn khi làm việc bên ngoài. Ông quan niệm mình chỉ nợ tổ quốc và quân đội, xong nhiệm vụ với đất nước và quân đội, chất xám chảy về nhà và bắt tay xây dựng sự nghiệp riêng của mình.
Ngã rẽ thứ hai: Từ thất bại đi lên
Từng buôn tăm tre, trám khô, từng kinh doanh tiền và đầu cơ máy bơm, từng buôn hàng hoa quả nông sản rồi mới chính thức bước vào nghiệp sản xuất chế biến nông sản, ông đã trải qua quá nhiều sóng gió để bước được đến ngày hôm nay. Đã từng thất bại 4-5 lần, đã từng mất hết tài sản và phải bắt đầu lại với âm 20 cây vàng. Ông đã rút ra cho mình 6 yếu tố kinh doanh:
Thứ nhất là buôn đường dài, vượt không gian, buôn chỗ rẻ, bán chỗ đắt, nhanh nhạy là điểm cần.
Thứ hai là đầu cơ, tức là vượt thời gian, mua lúc rẻ bán lúc khan. Đầu cơ mang lại sức mạnh lớn nếu ai biết kinh doanh tiền, và những sản phẩm có chu kỳ, ở đó thời gian là sức mạnh.
Thứ ba là sử dụng công nghệ tạo giá trị gia tăng, nếu đầu tư chất xám vào chuỗi hình thành sản phẩm, ấy là lúc tạo ra lợi nhuận lớn (50 %).
Thứ tư, khi tạo được thương hiệu, hay vòng cảm xúc xã hội, sự yêu quý của khách hàng sẽ đem lại giá trị n, được nhân lên rất nhiều lần. Marketing, truyền thông là công cụ tạo nên giá trị gia tăng.
Thứ năm, tạo ra xu thế xã hội sẽ trở thành sức mạnh cho doanh nghiệp.
Thứ sáu, nếu chúng ta đem xu thế gắn với sức mạnh hành chính sẽ tạo nên những văn hoá kinh doanh, văn hoá khởi nghiệp. Không quan trọng đó là sản phẩm gì nhưng biết thổi hồn cho nó sẽ tạo ra giá trị.
Từ thất bại sẽ không thể đi lên, nếu như thiếu sự tự tin và sự tự hào về khả năng của mình. Chính bạn cần là người tự hào nhất về những sản phẩm bạn làm ra và tự tin bạn có thể đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người dùng. “Muốn đốt cháy khách hàng, mình phải là ngọn lửa”, mình cần sự say mê có thể thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình.
Ngã rẽ thứ ba: Biết cách đi thẳng
Một người khi đã trải qua quá nhiều ngành nghề, sẽ dễ không biết điểm dừng ở đâu, mình đứng đâu để đi tiếp là phù hợp, hay vẫn cứ là một vòng lặp nhảy việc, nhảy nghề. Khi ấy, một cú hích cần thiết sẽ là kim chỉ nam cho những định hướng tiếp theo. Lúc người Trung Quốc mua trám khô, thấy môi trường Việt Nam rất phù hợp cho hoa quả, những lần đầu cơ tích trữ long nhãn hay buôn hoa quả khô với vợ đã khiến ông quyết định bắt đầu làm ô mai bằng chính đôi bàn tay của mình. Năm 1992- 1993, đã đánh dấu bước chuyển hướng chính xác và đúng đắn được thể hiện bằng thương hiệu Hồng Lam bây giờ. Con đường thẳng ấy cũng có lúc chông gai, nhưng từng bước xây từng viên gạch khiến nó vô cùng vững chắc và một tương lai gần con đường ấy sẽ đi xa hơn.
Ngã rẽ thứ tư: Thay đổi để thành công
Ông Lam là một người luôn học hỏi, ông rất chăm chỉ tham gia các lớp học về quản trị, marketing, truyền thông, có thể kể đến như lớp Giám đốc chuyên nghiệp khoá 1 (Đại học Kinh tế quốc dân ), Khoá CEO của IDP, Trung tâm nguồn nhân lực Việt Nhật... Ông hiểu rõ cần phải có marketing, công nghiệp hoá, sản phẩm cổ truyền sử dụng công nghệ hiện đại. Những bài học đấy đền được “Hồng Lam hoá” và giảng dạy cho mọi người ở trong công ty. Câu chuyện ông Lam chia sẻ về marketing rất thuyết phục, mỗi một nét văn hoá trong các ứng xử của Hồng Lam đều được suy nghĩ từ vị trí của người tiêu dùng, nghĩ cho người tiêu dùng.
Ngoài những chia sẻ về chuyện đời chuyện nghề, chuyện khởi nghiệp, ông còn không ngại chia sẻ những kinh nghiệm hay cách thức tuyển dụng người tài cho công ty, xây dựng sức mạnh mềm (cách thức lan toả kiến thức và kinh nghiệm), kỹ năng lãnh đạo - không chỉ là một người sếp mà còn là người thầy và những lời khuyên thực sự hữu ích cho các bạn startup tham gia chương trình….
Câu chuyện khởi nghiệp là những câu chuyện luôn mang lại cảm hứng, nó có thể thổi bùng ngọn lửa đam mê kinh doanh của các bạn trẻ hoặc cũng có thể là phép thử cho những ai chưa đủ quyết tâm vượt qua những khó khăn có thể lường trước được. Nếu bạn đủ nhiệt, đủ tình trong từng bước đi và từng ngã rẽ, hãy cứ tự tin. Đừng để ý tưởng chết khi nó chưa được hình thành.
Bài viết được biên soạn dựa trên câu chuyện hơn 90 phút chia sẻ rất chân thành của ông Nguyễn Hồng Lam tại chương trình My Startup Journey, nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp của Vietnam Silicon Valley, được tổ chức định kỳ vào thứ Sáu hàng tuần tại VSV Corner, 24 - 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Thu Trang

Theo baodautu.vn