Phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH MTV Sách Việt Nam diễn ra sáng ngày 24/3 đã thành công ngoài mong đợi với giá đấu bình quân đạt 13.072 đồng/cp, cao hơn giá khởi điểm gần 24,5% trong đó có nhà đầu tư trả giá cao nhất là 26.700 đồng/cp gấp đôi giá khởi điểm.
Trước đó, theo theo định giá của các Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), giá trị cổ phiếu Savina chỉ ở mức khoảng 11.000 đồng/cp, nhưng sự hiện diện của Vingroup trước phiên đấu giá với tư cách là cổ đông chiến lược, Savina bỗng dưng trở nên “sáng giá”.
Trước phiên đấu giá, không có nhiều người biết đến Savina với tên gọi đầy đủ là Công ty TNHH MTV Sách Việt Nam với tiền thân là Tổng công ty Sách Việt Nam ra đời từ những năm 50 của thế kỷ trước. Mảng kinh doanh truyền thống của Savina là xuất bản phẩm bị cạnh tranh mạnh mẽ từ các đơn vị xuất bản tư nhân năng động và cả lượng sách in lậu “thiên la, địa võng” trên thị trường những năm gần đây.


Lợi nhuận gộp từ mảng kinh doanh chính của Savina liên tục giảm từ 11,2 tỷ đồng năm 2012 xuống chỉ còn 3,4 tỷ đồng năm 2015. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động cho thuê nhà chỉ giúp cho công ty duy trì mức lợi nhuận sau thuế khiêm tốn từ 250 triệu đồng đến hơn 500 triệu đồng, buổi đấu giá của Savina có lẽ đã không thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư đến thế nếu không có sự xuất hiện của Vingroup. Trước buổi đấu giá Vingroup đã được lựa chọn làm cổ đông chiến lược của Savina để trở thành nhà đầu tư chiến lược mua toàn bộ 65% vốn điều lệ tại công ty sách này với mức giá 10.700 đồng/cp (tương đương hơn 472 tỷ đồng). Cùng với cam kết sẽ lên Upcom trong 90 ngày kể từ khi IPO, Savina đã khiến các nhà đầu tư mạnh tay hơn trong việc bỏ giá đấu giá với kỳ vọng “hừng hực” vào sự tăng trưởng sắp tới.
Hiện tượng Savina bỗng dưng được săn đón có thể xem là kịch bản lặp lại cổ phiếu VEFAC của CTCP Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam và Vinatex trước đó. Tại thời điểm mới IPO, phiên đấu giá của VEF chỉ có 3,8% khối lượng đem đấu giá được chào bán thành công ở mức 10.058 đồng/cp. Chỉ sau 6 tháng, cổ phiếu VEF 74.200 đồng/cp, tương đương khoảng tăng hơn 730%. Có thể nói, nhờ “bóng Vingroup”, các nhà đầu tư mua VEF tại thời điểm ban đầu đã lãi hơn 7 lần.
Tương tự khi Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID) trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Dệt may Việt Nam năm từ cuối 2014 với tỷ lệ sở hữu lần lượt 10% và 14%, phiên đấu giá cổ phần lần đầu của Vinatex sau đó khá thành công với tỷ lệ trúng thầu đạt 90% (bằng 100% lượng đăng ký đấu giá), giá đấu thành công bình quân 11.000 đồng/cổ phần, bằng với giá khởi điểm trong đó 50% lượng chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Vinatex đã thu về hơn 1.216 tỉ đồng sau vụ IPO.
Nếu kịch bản lặp lại, thị trường sẽ hồi hộp chờ đợi cái tên kế tiếp sau Vinatex, VEFAC, Savina… sẽ có cơ hội biến thành “cổ phiếu vàng” trong thời gian sắp tới khi Vingroup xuất hiện.
Như Loan

Theo baodautu.vn