Hạn chế trong thu hút đầu tư
3 năm trước đây, Ban quản lý KKT Dung Quất báo cáo đã thu hút khoảng 10 tỷ USD. Đến nay, cũng theo ban này, số vốn đầu tư cũng vẫn y nguyên và có nguy cơ... thụt lùi khi mới đây, Dự án thép Quảng Liên vốn đầu tư dự kiến hơn 3 tỷ USD thông báo chấm dứt đầu tư. Không những vậy, theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, trong 2 năm qua, Ban quản lý KKT Dung Quất không cấp phép được cho dự án nào dù đã tập trung xúc tiến một số dự án quy mô lớn, như: dệt nhuộm, luyện cán thép, tổ hợp nghỉ dưỡng, cảng container, đầu tư phát triển KCN... Trong khi cũng ngần ấy năm, ban này đã làm thủ tục và kiến nghị thu hồi 23 dự án.


Có ý kiến cho rằng, nếu Quảng Ngãi không có Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP thì những năm qua, xem như thu hút đầu tư dậm chân tại chỗ. Chỉ đến những tháng đầu năm 2016, tình hình đầu tư, phát triển KKT Dung Quất mới chuyển động và đang có tín hiệu khả quan. Ngay sát hàng rào của KKT Dung Quất là KKT mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) cũng nằm trong tình trạng tương tự khi thông báo số vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.
Có tuổi đời hơn 10 năm, KKT mở Chu Lai từng rất được kỳ vọng về một không gian kinh tế riêng biệt, có thể áp dụng những cơ chế chính sách đặc thù, tạo bước đột phá cho khu vực miền Trung và toàn quốc. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân và sự ràng buộc khác nhau, Chu Lai đã được điều chỉnh về mô hình hoạt động và phải trải qua không ít thăng trầm. Ngoài tổ hợp cơ khí ô tô Trường Hải đóng góp hơn 60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh Quảng Nam, các dự án khác cũng chưa có đóng góp nhiều cho địa phương này.
Giữa tháng 12/2006, cầu Thị Nại, cây cầu vượt biển đầu tiên của Việt Nam được khánh thành nối TP. Quy Nhơn và KKT Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đã “mơ” về một Hồng Kông bên hông Quy Nhơn. Song cũng 10 năm trôi qua, giấc mơ ấy đã dần tuột khỏi tầm tay khi mà cả KKT này chỉ một vài dự án hiện diện: Vĩnh Hội Resort 250 triệu USD đang nhấp nhổm chờ thu hồi; Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội 22 tỷ USD vẫn đang là ẩn số. Chỉ có FLC Nhơn Lý với tổ hợp resort 3.500 tỷ đồng là đang có những tín hiệu khả quan bằng những việc làm cụ thể thông qua đưa vào sử dụng một số hạng mục dự án thời gian qua...
Loay hoay tìm hướng đột phá
Một số KKT sau nhiều năm thành lập đã đưa ra những hướng đi cho riêng mình, nhưng đến nay vẫn chưa có mô hình KKT nào mang tính đột phá. Vì vậy, ở cấp độ quản lý, các BQL cũng chỉ biết kiến nghị Trung ương cho... cơ chế riêng biệt mà không nói rõ là riêng như thế nào.
Ông Nguyễn Quê, Trưởng ban Ban quản lý KKT Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) nhận định: “Chúng ta cần có giải pháp đột phá về thể chế để các KKT như áp dụng các thể chế hiện đại (về kinh tế) tương tự ở các khu kinh tế tự do, đặc khu kinh tế ở các nước đã thành công. Chính phủ cần sớm ban hành chính sách riêng về công tác giải phóng mặt bằng trong các KKT”.
KKT Dung Quất một thời gian từng có ý định đề xuất thành lập đặc khu; Chu Lai áp dụng cơ chế mở, nhưng hiện nay, hai KKT vẫn hoạt động dựa trên mô hình giống nhau, dù một bên là KKT mở còn bên kia là KKT thông thường.
Dù có những thành công đáng ghi nhận, nhưng KKT mở Chu Lai cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là hệ thống cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù chưa rõ ràng; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; chưa tạo được bước đột phá trong thu hút đầu tư; ngành công nghiệp hỗ trợ gần như chưa có gì; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Ông Phạm Văn Tài, Phó tổng giám đốc CTCP ô tô Trường Hải nhìn nhận, KKT mở Chu Lai cần đầu tư cho hạ tầng xã hội để có thể thu hút thêm nhiều chuyên gia đến làm việc.
Theo Ban quản lý KKT mở Chu Lai, trong bối cảnh cả nước đều mở như hiện nay thì tính hấp dẫn của khu kinh tế không còn như trước đây. Đó là chưa kể, đến nay gần như tỉnh nào ở miền Trung cũng có khu kinh tế với nội dung không khác gì KKT Chu Lai, thậm chí còn cao hơn và tiến bộ hơn. Họ đi sau nhưng xuất phát ở mức cao hơn nên chắc chắn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Chu Lai thời gian tới.
Ban quản lý KKT Dung Quất cũng đã thấy sự “mất cân đối giữa yêu cầu về hạ tầng với khả năng đáp ứng về nguồn vốn đầu tư” sẽ là lực cản đối với sự phát triển của Dung Quất, nhưng vẫn chưa có hướng đi nào khả quan. Trong khi theo nhu cầu, đến hết năm ngoái (2015) tại KKT này cần xây mới 38 km đường, xây dựng mới các khu tái định cư và nhiều công trình tiện ích khác với số vốn lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, nhưng vốn đầu tư từ ngân sách giảm mạnh. Đây là bài toán thật sự khó giải.
Hà Minh

Theo baodautu.vn