Song cũng qua hội thảo này, hàm ý của những người tổ chức và hàng trăm doanh nghiệp tham dự rất rõ. Đó là không thể lỡ cơn sóng lớn về mặt giá trị cho nền kinh tế mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại vì bất kỳ cứ lý do gì.
Điều này càng phải nhấn mạnh với các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp trong ngành dệt may và da giày, khi đây là hai ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Thậm chí, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tính rằng, trong 3 năm đầu tiên TPP chính thức có hiệu lực, ngành này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 17-20%.


Hội thảo TPP với ngành dệt may và da giày vừa diễn ra tại TP.HCM


Dự kiến, đến năm 2020, giá trị xuất khẩu của ngành lên tới con số 50 tỷ USD...
Nhưng vấn đề là, các con số trên cũng những cơ hội đang được điểm mặt sẽ là “đếm cua trong lỗ” nếu cả Chính phủ và các doanh nghiệp không sẵn sàng dứt bỏ những lợi thế trước mắt, sẵn sàng trả giá đắt để thay đổi. Đơn cử ngành dệt may, dù đang đứng trong tốp 6 trong số 153 nền kinh tế xuất khẩu dệt may trên thế giới, giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 27 tỷ USD, chiếm 16,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, nhưng tỷ lệ lệ thuộc vào nhập khẩu quá cao.
Hiện ngành này đang phải nhập khẩu 86% nguồn vải phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Phần lớn trong số 5.000 doanh nghiệp dệt may đang làm gia công, tình trạng “nút thắt cổ chai” tại khâu dệt nhuộm rất lớn… Nói một cách hình ảnh, thì doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang ở ba tầng lệ thuộc, khả năng bị tổn thương vì TPP là hiện hữu.
Trong khi đó, soi vào chuỗi giá trị ngành dệt may hiện nay, khâu mang lạ giá trị thặng dư cao nhất đang nằm trong tay Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Phần khúc gia công, bán buôn đang tập trung vào 3 địa điểm là Hồng Kong, Hàn Quốc, Đài Loan. Việt Nam đang đứng cùng Bangladesh, Sri Lanka trong nấc cuối cùng – may xuất khẩu.
Đặt vị thế này vào cam kết TPP, thách thức sẽ hiện lên rất rõ nếu các doanh nghiệp dệt may không giải tốt bài toán giảm lệ thuộc, vẫn đắn đo với các lợi nhuận từ các hợp đồng gia công hiện hữu và các khoản đầu tư lớn cho nguyên phụ liệu, nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng. Hơn thế, cuộc chơi nào cũng có luật, nếu không thay đổi để thỏa mãn, cái giá phải trả thậm chí là sự tồn vong của không phải là một vài doanh nghiệp Việt Nam…
Tất nhiên, tận dụng cơ hội từ TPP không chỉ là việc của doanh nghiệp. Mới đây nhất tại cuộc họp thường trực Chính phủ về công tác chuẩn bị trình Quốc hội phê chuẩn TPP hôm đầu tuần, Chính phủ đã đặt mục tiêu trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định TPP vào Kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV, dự kiến tháng 7/2016. Để đạt mục tiêu, Chính phủ đã yêu cầu, trong tháng 4 tới, toàn bộ kết quả đánh giá tác động Hiệp định TPP đến hệ thống các quy định pháp luật Việt Nam cũng như các kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới sẽ được các bộ, ngành hoàn tất trình Chính phủ.
Rõ ràng, Chính phủ mong muốn hoàn tất các phần việc để Quốc hội sớm phê chuẩn TPP. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị cao của Việt Nam, thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực trong TPP. Điều quan trọng hơn, đó là Chính phủ đang đẩy mạnh cam kết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hệ thống pháp luật trong nước để sẵn sàng thực thi hiệu quả các cam kết. Đây chính là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp và cả người dân và toàn bộ xã hội chuẩn bị, chủ động tham gia khi Hiệp định có hiệu lực.
Chúng ta đã lỡ “con sóng” WTO bởi nhiều lý do. TPP - sẽ là một cơ hội để Việt Nam thay đổi toàn diện khi hòa mình vào dòng chảy phát triển chung của thế giới.
Hà An

Theo baodautu.vn