Điều này càng quan trọng hơn bao giờ hết khi báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII cho thấy, thu ngân sách hiện không đủ chi thường xuyên và trả nợ, đòi hỏi phải sử dụng vốn đầu tư hiệu quả hơn.
Không thể phủ nhận, hiệu quả đầu tư đã có bước cải thiện, với ICOR giai đoạn 2011-2015 đạt 6,91, giảm so với giai đoạn 2006-2010 (là 6,96). Cũng rất đáng ghi nhận khi trong bối cảnh tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP giảm mạnh (còn khoảng 32,6% GDP vào năm 2015) thì tốc độ tăng trưởng vẫn duy trì ở mức hợp lý. Song cũng cần thẳng thắn, ICOR của Việt Nam còn cao, hiệu quả đầu tư còn thấp so với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Nguyên nhân một phần là do nền kinh tế đang trong giai đoạn tập trung đầu tư cho hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa và đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.


Cần thiết lập hệ thống thông tin quản lý thống nhất trong cả nước về đầu tư công


Nhưng nếu so với các quốc gia khác đã trải qua giai đoạn phát triển tương đồng, thì hệ số ICOR của Việt Nam hiện vẫn cao.
Chính phủ cũng đã thừa nhận điều này và thậm chí khẳng định, việc sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu, còn thất thoát, lãng phí. Các dự án đầu tư công dù thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, song tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí cũng còn nhiều.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội cho cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 lên tới gần 10.600.000 tỷ đồng, bằng khoảng 32-34% GDP. Phải huy động được nguồn vốn này, Việt Nam mới có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5-7% và thực hiện khâu đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị lớn.
Huy động vốn đã khó, nhất là trong bối cảnh ngân sách thâm hụt, bội chi lớn, không đủ để chi thường xuyên và trả nợ, còn nợ công đang tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, càng đòi hỏi phải sử dụng hiệu quả từng đồng vốn đầu tư, làm giảm ICOR, đồng thời gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, việc tái cơ cấu đầu tư công đã được thực hiện, nay càng cần phải được đẩy mạnh hơn trong giai đoạn mới. Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Luật Đầu tư công, đổi mới cơ chế phân bổ vốn theo kế hoạch trung hạn, tập trung vốn đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết và vốn đối ứng cho các dự án ODA, từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản… là những việc cần làm ngay.
Chưa kể hàng loạt giải pháp khác cũng cần phải thực hiện đồng bộ, như đẩy mạnh phân cấp nhưng cũng cần gắn với đề cao trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương và chủ đầu tư; rồi phân bổ vốn đầu tư công, thứ tự ưu tiên các dự án phải tuân thủ Luật Đầu tư công.
Một cách rõ ràng là phải xác định và áp dụng nghiêm túc tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, trong đó, phải tính đầy đủ giá của vốn và chi phí cơ hội của đầu tư để lựa chọn nhiệm vụ cùng thứ tự ưu tiên của dự án. Đầu tư đúng và hiệu quả vào các dự án mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao sẽ góp phần đáng kể làm giảm ICOR, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Hơn lúc nào hết, cần thiết lập hệ thống thông tin quản lý thống nhất trong cả nước về đầu tư công; công khai và minh bạch hóa thông tin về đầu tư nhà nước nói chung và từng dự án đầu tư nhà nước nói riêng...
Thực tế những giải pháp này đã được vạch ra và từng bước thực hiện, song hiệu quả chưa cao nên ICOR vẫn tiếp tục ở mức cao. Chính vì vậy, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp này là yếu tố cốt tử để ICOR cao không còn ám ảnh mỗi kỳ họp Quốc hội.
Nguyên Đức

Theo baodautu.vn