Lớn tăng vốn, nhỏ chạy đua
Ngày 15/4 tới đây, Ngân hàng TMCP Vietcombank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2016. Một trong những nội dung được ĐHCĐ đề cập tới là thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2016.
Bà Lê Thị Hoa, thành viên HĐQT Vietcombank cho hay, ngân hàng hàng này đang chuẩn bị đợt phát hành riêng lẻ tỷ lệ 10%, thậm chí tỷ lệ này có thể nâng lên 20%. Việc huy động vốn trong năm 2016 của Vietcombank sẽ được thực hiện thông qua hai hình thức: Phát hành cổ phiếu sơ cấp tỷ lệ 10% cho các nhà đầu tư nước ngoài và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%. Mizuho tiếp tục giữ cổ phần ít nhất 15% của ngân hàng.


Trong kế hoạch ĐHCĐ năm nay của Vietinbank không có nội dung tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, dự kiến thương vụ sáp nhập PGBank sẽ hoàn tất vào quý II/2016 sẽ giúp ngân hàng này hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 49.000 tỷ đồng, vốn đặt ra từ năm 2015 nhưng không thực hiện được, do thương vụ sáp nhập chậm triển khai so với kế hoạch.
Tại ngân hàng BIDV, sau khi chính thức tăng vốn nhờ thương vụ sáp nhập ngân hàng MHB hoàn thành trong năm 2015, phương án tăng vốn tiếp theo chưa được hé lộ. Song trả lời phóng viên Báo Đầu tư trước đó, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho hay, BIDV kỳ vọng sẽ bán được cổ phần cho đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2016 này. Thương vụ khủng này đã được thị trường chờ đón nhiều năm nay song đến giờ vẫn chưa được hé lộ.
Trong khi các ngân hàng lớn liên tục tăng vốn thì các ngân hàng nhỏ cũng âm thầm chạy đua. Từ cuối năm 2015 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã công bố kế hoạch tăng vốn và dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn trong mùa ĐHCĐ năm nay.
Cụ thể, tuần qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng. Phương án cụ thể để tăng vốn chưa được ngân hàng này tiết lộ. NHNN chỉ đạo, phương án phát hành của Saigonbank phải tuân thủ quy định. Trường hợp việc phát hành cổ phần dẫn đễn cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ trở lên, Saigonbank phải trình NHNN xem xét, chấp thuận theo đúng quy định.
Còn với VPBank, sau các đợt tăng vốn suôn sẻ năm qua, đầu năm nay, ngân hàng này tiếp tục có văn bản xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 10.000 tỷ đồng bằng việc phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức cho nhà đầu tư trong năm 2016. Phương án này dự kiến sẽ được trình ĐHCĐ thông qua ngày 28/3/2016.
Trước đó, cuối năm 2015, một loạt ngân hàng khác như BacABank, OCB, VIB… cũng đã được NHNN chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ.
Tăng vốn là bắt buộc
Theo lãnh đạo các ngân hàng, thị trường chứng khoán và kinh tế vĩ mô có dấu hiệu phục hồi nên việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn hiện nay khá thuận lợi. Việc tăng vốn cũng sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt hơn, nhất là các khoản vay trung, dài hạn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, tăng vốn không chỉ giúp ngân hàng mở rộng hạn mức tín dụng với khách hàng, bổ sung vốn cho vay trung dài hạn, góp vốn mua cổ phần… mà tăng vốn còn là yêu cầu tất yếu để ngân hàng đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro ngày càng khắt khe.
Theo tiêu chuẩn Basel II thì nhiều ngân hàng (trong số 10 ngân hàng áp dụng thí điểm Basel II của Việt Nam) sẽ phải tăng vốn mới đáp ứng được yêu cầu mới về vốn tối thiểu (CAR).
“Mức CAR hiện hành của các NHTM chắc chắn sẽ giảm mạnh khi áp dụng Basel II, vậy nên việc tăng vốn dường như là yêu cầu bắt buộc”, nhóm nghiên cứu công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định.
Theo ước tính, việc áp dụng Basel II có thể sẽ khiến hệ số CAR của các ngân hàng giảm 10-20%. Trong khi đó, hệ số CAR của nhiều ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn hiện chỉ ở 9-10% (mức tối thiểu là 9%).
Trao đổi với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, bà Bùi Như Ý - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản lý rủi ro VietinBank khẳng định: "Áp lực tăng vốn để cải thiện CAR là rõ ràng, nhưng tôi cho rằng Basel II đưa ra các yêu cầu khắt khe về vốn nhằm tạo động lực cho các ngân hàng nâng cao chất lượng quản lý rủi ro, đưa các ứng dụng từ hệ thống quản lý rủi ro vào trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng để đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh. Đây là giá trị và là mục tiêu lớn nhất khi áp dụng Basel II".
Trong bối cảnh nguồn lực trong nước hạn chế, việc tăng vốn với các ngân hàng là không đơn giản. Đối với các ngân hàng chưa có đối tác chiến lược nước ngoài như BIDV, việc tìm kiếm đối tác chiến lược là phương án khả dĩ nhất để tăng vốn. Còn với các ngân hàng đã có đối tác chiến lược, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài là mong muốn được đặt ra. Đây là lý do cách đây không lâu, lãnh đạo Vietinbank và Vietcombank đồng loạt đề xuất Chính phủ nới room cho đối tác ngoại.
Thùy Liên

Theo baodautu.vn