Hồi sinh từ bờ vực phá sản
Làng nghề đóng tàu Cổ Lũy nằm ở hữu ngạn sông Trà Khúc, giáp với cửa biển. Tên gọi đầy đủ của địa danh này là Cổ Lũy Cô Thôn, với lợi thế về mặt địa lý, đã hình thành nên nghề đóng tàu thuyền nơi đây.
Năm 1977, làng nghề thành lập hợp tác xã, lấy tên là HTX Tàu thuyền và Dịch vụ Cổ Lũy (tiền thân của HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Nghĩa Phú hiện nay), là một trong những làng nghề đầu tiên của cả nước đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, quá trình phát triển của HTX Cổ Lũy có những thăm trầm, khi năm 2000, Chủ nhiệm HTX lúc đó lập hồ sơ khống vay ngân hàng, làm ăn thua lỗ rồi bỏ trốn. Các xã viên như ong vỡ tổ tứ tán đi tìm công việc mưu sinh. HTX chênh vênh bên bờ vực phá sản.


.


Không đành lòng chấp nhận một cơ sở đóng sửa tàu thuyền có bề dày truyền thống đi vào ngõ cụt, ông Phan Như Huỳnh, khi đó là xã viên của HTX, xung phong đứng ra lèo lái con thuyền HTX Cổ Lũy vượt sóng dữ. Việc đầu tiên ông Huỳnh làm khi tiếp nhận HTX là đi vận động xã viên quay về, ổn định tổ chức để đồng cam cộng khổ. Tiếp đó, xây dựng quy chế, điều lệ làm việc, điều lệ đóng góp vốn của HTX để có vốn làm ăn. Để tạo niềm tin trong xã viên, ông Huỳnh tự nguyện hóa giá xưởng cơ khí của mình “bán” cho HTX, thực chất là “tặng” để xã viên có máy móc, thiết bị sửa chữa và đóng mới tàu thuyền, tạo ra sản phẩm để có nguồn thu.
Sau khi đã cơ bản ổn định, HTX đi vào hoạt động trở lại, ông Huỳnh lặn lội đến các địa phương trong và ngoài tỉnh “nhặt” từng hợp đồng đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, đem việc làm về cho xã viên. 20 xã viên có tay nghề liên tục nhận đơn hàng làm không hết việc, thu nhập liên tục tăng từ 150.000 đồng/ngày công lên 500.000 đồng/ngày công. Thương hiệu đóng tàu Cổ Lũy dần được định hình và bay xa. Những hợp đồng đóng tàu lớn 400 CV đến 800 CV từ Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam... liên tục được ký kết. Từ 20 xã viên ban đầu, đã tăng lên 49 xã viên chia làm 2 đội sản xuất, mỗi xã viên thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Công suất đóng tàu cũng được nâng từ 10 chiếc/năm lên 50 chiếc/năm.
Cơ hội cho HTX kiểu mới
Năm 2012, sau khi hoạt động theo Luật HTX mới, HTX Tàu thuyền và Dịch vụ Cổ Lũy đổi tên thành HTX Dịch vụ và Khai thác hải sản xa bờ Nghĩa Phú. Nhiều người đã tham gia góp vốn, ngoài cá nhân còn có cả doanh nghiệp, hộ gia đình, nhờ vậy tiềm lực tài chính của HTX đã nâng lên đáng kể. Hợp tác xã đã mở rộng thêm các ngành nghề khác như đánh bắt, chế biến hải sản, cung cấp xăng dầu, đá lạnh bảo quản…
Ông Nguyễn Tấn Toản, Giám đốc Công ty Kinh doanh xăng dầu Toản Thúy, mới tham gia vào HTX cho biết: trước đây, chưa tham gia HTX, các tàu đánh cá của ngư dân khi về bờ thích thì lấy nhiên liệu từ đơn vị cung ứng của ông, nay vào HTX, thì các tàu thuyền của xã viên đều do doanh nghiệp của ông cung ứng xăng dầu nên doanh thu tăng rõ rệt. Không những vậy, những tàu cá không may gặp chuyến đánh bắt thua lỗ, ông cũng có thể bán chịu, chờ chuyến sau đánh bắt hiệu quả sẽ trả lại mà không lo thất thoát vốn...
Nói về sự thành công của HTX, ông Phan Như Huỳnh chỉ ngắn gọn mấy câu, đó là làm tốt, giữ chữ tín. Ông Huỳnh dẫn chứng, khi đóng tàu cho khách, loại gỗ chọn lựa đóng tàu phải đảm bảo chất lượng, tuyệt đối không vì khách hàng tin tưởng mà mình độn gỗ tạp vào. Ngoài ra, mẫu mã phải luôn cải tiến, tay nghề người thợ phải luôn được nâng cao. Hàng năm, HTX tranh thủ những lớp đào tạo nghề của Liên minh HTX Việt Nam để gửi học viên theo học. Sau đó, về truyền thụ lại cho các xã viên chưa qua đào tạo. Bên cạnh đó, Ban giám đốc HTX khuyến khích việc đào tạo tại chỗ. Người đi trước hướng dẫn người đi sau.
Về tổ chức sản xuất, HTX Cổ Lũy trước đây và Nghĩa Phú hiện nay áp dụng theo hình thức khoán công việc cho từng xã viên để nâng cao tính sáng tạo, gắn trách nhiệm với công việc. Ai có sáng kiến hay, tay nghề giỏi đều được Ban Quản trị thưởng kịp thời, nhờ vậy mọi người ai cũng phấn đấu trong công việc.
Trong chuyến thăm tìm hiểu tình hình hoạt động của HTX Dịch vụ và Khai thác thủy sản xa bờ Nghĩa Phú mới đây, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao tính sáng tạo của HTX Nghĩa Phú và cho rằng, HTX Nghĩa Phú đã làm tốt khâu trung gian, cầu nối giữa ngư dân và các ngân hàng thương mại, giúp ngư dân tránh bị đầu nậu ép giá, đảm bảo thu nhập ổn định cho chủ tàu và ngư dân.
Hà Minh

Theo baodautu.vn