Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet


Theo mục 4.23 và 4.24 của Quy chuẩn Việt Nam số 41/2012/TT-BGTVT định nghĩa:
Ôtô con là chỉ ôtô chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe, hoặc ôtô chở hàng với trọng tải không quá 1,5 tấn. Ôtô con gồm cả các loại có kết cấu như môtô ba bánh nhưng khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg trở lên và trọng tải không quá 1,5 tấn. Ôtô tải là xe chỉ chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có trọng tải từ 1,5 tấn trở lên.
Như vậy, đối với các xe có trọng tải không quá 1,5 tấn thì sẽ được coi là xe con và đương nhiên được đi vào làn đường dành cho xe con. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt “trọng tải” với “tải trọng”. Tìm hiểu trong Quy chuẩn Việt Nam số 41 cũng như Luật giao thông đường bộ và các văn bản pháp luật có liên quan giải thích thuật ngữ “tải trọng” và “trọng tải” là gì, có thể hiểu 2 khái niệm này là một hay không thì có một số quy định như sau:
Tại Điều 28 Luật giao thông đường bộ về tải trọng và khổ giới hạn đường bộ có quy định:
Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp đặc biệt, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường có thể được lưu hành trên đường nhưng phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép và phải thực hiện các biện pháp bắt buộc để bảo vệ đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và công bố về tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ; quy định việc cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ do địa phương quản lý.
Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ về giải thích từ ngữ như sau:
Tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe gồm trọng lượng (khối lượng) bản thân xe cộng với trọng lượng (khối lượng) của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe (nếu có).
Tải trọng trục xe là tổng trọng lượng của xe phân bố trên mỗi trục xe hoặc cụm trục xe.
Theo các quy định trên thì “tải trọng” trục xe có thể được hiểu là trọng lượng của bản thân xe cộng với trọng lượng của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe (nếu có). Như vậy nếu hiểu “trọng tải” và “tải trọng” là đồng nhất thì tất cả những xe bán tải có tải trọng lớn hơn 1,5 tấn được ghi nhận trong Đăng ký xe và Đăng kiểm xe được xem là xe tải nên phải đi vào làn dành cho xe tải còn xe có tải trọng nhỏ hơn 1,5 tấn sẽ đi vào làn đường dành cho xe con.
Nhưng mặt khác tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 35/2013/TT-BGTVT quy định về xếp hàng hóa trên ôtô khi tham gia giao thông đường bộ quy định về trách nhiệm của người xếp hàng hóa có quy định:
Xếp hàng hóa trên xe ôtô không vượt quá trọng tải cho phép chở của xe và tải trọng, khổ giới hạn của cầu, hầm, đường bộ trên toàn tuyến đường vận tải hàng hóa.
Theo quy định trên thì có thể hiểu “tải trọng” và “trọng tải” là không đồng nhất?. Quy phạm trên đang quy định việc xếp hàng hóa trên xe ôtô không được vượt quá trọng tải cho phép của xe và tải trọng, khổ giới hạn của cầu, hầm, đường bộ trên toàn tuyến đường vận tải hàng hóa. Như vậy khái niệm “tải trọng” quy định này là nói đến tải trọng của đường bộ. Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT thì tải trọng đường bộ được hiểu là:
Tải trọng của đường bộ là khả năng chịu tải khai thác của cầu và đường để bảo đảm tuổi thọ công trình theo thiết kế.
Khả năng chịu tải khai thác của cầu được xác định theo hồ sơ thiết kế cầu và tình trạng kỹ thuật thực tế của cầu, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu hạn chế tổng trọng lượng xe qua cầu theo quy định về báo hiệu đường bộ.
Khả năng chịu tải khai thác của đường được xác định theo hồ sơ thiết kế mặt đường và tình trạng kỹ thuật thực tế của đường, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu hạn chế trọng lượng trên trục xe theo quy định về báo hiệu đường bộ.
Vậy có được hiểu “trọng tải” là trọng lượng (khối lượng) của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe (nếu có) mà không bao gồm trọng lượng bản thân xe?. Vì trong Đăng ký xe chỉ có mục ghi tải trọng hàng hóa và số chỗ ngồi. Còn trong Giấy đăng kiểm lại có các mục như: Khối lượng bản thân, Khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông, khối lượng hàng chuyên trở theo thiết kế, khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông chứ không có thuật ngữ trọng tải như quy định tại Quy chuẩn Việt Nam số 41/2012/TT-BGTVT.
LS. Đặng Thành Chung (Công ty Luật An Ninh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội))

Theo baodautu.vn