“Mức thuế nêu trên trước mắt sẽ làm giảm bớt khó cho nhiều doanh nghiệp thép trong nước đang bị cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm nhập khẩu”, đại diện Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco), một trong 4 doanh nghiệp nguyên đơn cho hay.
Các sản phẩm được yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ là mặt hàng phôi thép và thép dài có mã HS: 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; 9811.00.00 do có sự gia tăng đột biến trong nhập khẩu.


.


Nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp ngành thép đều muốn áp dụng biện pháp tự vệ. Công ty cổ phần Thép Pomina, Công ty Liên doanh sản xuất thép Vinausteel, Công ty TNHH Nasteel-Vina, Công ty TNHH Thép Vinakyoei, Công ty sản xuất Thép Úc SSE, Công ty cổ phần Thép Việt - Đức, Công ty cổ phần BCH đã kiến nghị Thủ tướng và các bộ liên quan không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép.
Lý do là lượng phôi thép nhập khẩu năm 2015 dù lớn, nhưng vẫn thấp hơn nhiều giai đoạn 2008 - 2010 và việc sản xuất phôi thép không chạy hết công suất là do vấn đề quy hoạch, cấp phép dẫn đến dư thừa công suất. Các doanh nghiệp ở phía phản đối cũng rất băn khoăn về đối tượng được hưởng lợi khi áp dụng biện pháp tự vệ.
Đại diện Công ty cổ phần Thép Việt - Đức cho hay, hiện thuế nhập khẩu phôi thép là 9%, nếu nâng lên 23,3% như đề xuất là không hợp lý. Chưa kể việc áp dụng biện pháp tự vệ sẽ chỉ có lợi cho một số doanh nghiệp.
Dẫu vậy theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), để đảm bảo sự ổn định lâu dài cho ngành thép, áp dụng biện pháp tự vệ là cần thiết. Với các doanh nghiệp phản đối bởi lo khi áp dụng biện pháp tự vệ, giá thép nhập khẩu tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của mình cũng được VSA không ngại ngần chỉ ra thực tế “nhiều doanh nghiệp trong nước đã không sản xuất nữa mà chủ yếu đi nhập khẩu rồi bán, do giá phôi thép nhập khẩu giảm mạnh nên có lợi hơn nhiều so với sản xuất trong nước”.
Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng phải nhìn vào lợi ích thiết thực của doanh nghiệp. “Những doanh nghiệp chỉ nhập khẩu phôi giá rẻ về cán thép thì việc họ phản đối là dễ hiểu”, ông Huỳnh nói.
Không khó để nhận thấy ngành sản xuất thép trong nước đã chịu thiệt hại nghiêm trọng về giảm thị phần, doanh thu, công suất, lợi nhuận, tồn kho tăng trong giai đoạn 2012 - 2015, đặc biệt là năm 2015 bởi việc gia tăng nhập khẩu mạnh của phôi thép và thép dài.
Thống kê của VSA cho hay, tồn kho của phôi thép năm 2015 tăng 35% và thép dài tăng 39% so với năm 2014, chiếm gần 10% tổng lượng sản xuất toàn ngành.
Khó khăn vì thép nhập khẩu giá rẻ cũng được Tổng công ty Thép Việt Nam - Công ty cổ phần (VNS) nêu ra tại Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo VNS, trong năm 2015, lượng phôi thép giá rẻ nhập về Việt Nam đã lên tới 1,9 triệu tấn, tăng hơn 300% so với năm 2014, với mức nhập khẩu bình quân 150.000 tấn/tháng. Lượng phôi thép nhập khẩu tháng 12/2015 và tháng 1/2016 tương ứng với 317.000 tấn và 340.000 tấn, đây là mức nhập khẩu tăng đột biến so với các tháng trước đây, đặc biệt là tháng 1/2016, khi lượng nhập khẩu tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
VNS cũng đặc biệt nhấn mạnh, giá nhập khẩu phôi thép về Việt Nam cùng kỳ năm trước là 451 USD/tấn, thì đến tháng 1/2016 chỉ còn 269 USD/tấn, giảm 182 USD/tấn, đã gây khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước.
“Phôi thép tiếp tục nhập khẩu với số lượng lớn sẽ khiến các đơn vị sản xuất phôi thép trong nước, trong đó có VNS đối mặt với nguy cơ dừng sản xuất, phá sản, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy khác”, Tổng giám đốc VNS Nghiêm Xuân Đa
nhấn mạnh.
Do vậy, việc áp dụng biện pháp tự vệ với mức thuế 23,3% cho phôi thép và 14,2% với thép dài sẽ không chỉ giúp duy trì sản xuất của ngành thép nội địa mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp của ngành thép, bảo vệ ngành sản xuất có đầu tư từ thượng nguồn.
Đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng, áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời là việc bình thường và dĩ nhiên có dẫn tới xung đột lợi ích giữa các bên. Trong đó các bên được hưởng lợi là nhà sản xuất trong nước và các ngành công nghiệp thượng nguồn, đồng thời có các bên chịu thiệt hại là nhà nhập khẩu và người tiêu dùng hoặc các ngành công nghiệp hạ nguồn. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích số liệu nhập khẩu và các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận… Bộ Công thương cũng cho hay, việc chậm áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép trong nước, dẫn đến khó có thể khắc phục được.
Thế Hải

Theo baodautu.vn