Agribank chiếm 38% tín dụng đóng tàu cả nước
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị Sơ kết hơn 1 năm triển khai Nghị định 67.
Ngay khi Nghị định được triển khai, các ngân hàng đã cam kết đáp ứng đủ nguồn vốn cho vay chương trình này. Cụ thể, 5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cam kết dành 14.000 tỷ đồng để cho vay theo Nghị định 67. Trong đó, riêng Agribank cam kết sẵn sàng dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng cho Chương trình.


Ngân hàng Agribank đã cam kết cho các ngư dân, hợp tác xã đánh bắt vay tới 5.000 tỷ đồng


Giữ vai trò chủ lực về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với quy mô đầu tư tín dụng nông nghiệp nông thôn nói chung và thủy hải sản nói riêng không ngừng mở rộng, tính đến 29/02/2016, nguồn vốn huy động của Agribank đã đạt hơn 800.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế 668.635 tỷ đồng, trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn là 440.736 tỷ đồng, chiếm 71% tổng dư nợ nền kinh tế. Tổng số khách hàng còn dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trên toàn hệ thống đạt gần 4 triệu khách hàng, trong đó gần 200.000 khách hàng còn dư nợ cho vay thủy hải sản với tổng dư nợ là 32.421 tỷ đồng.
Đối với việc triển khai cho vay theo Nghị định 67, Agribank là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên triển khai cho vay. Cụ thể, ngay sau khi có thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 67 của NHNN, Agribank đã ban hành Quyết định 888/QĐ-NHNo-HSX về việc ban hành quy định cho vay đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67 trong hệ thống Agribank. Agribank đã kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc, phối hợp với các bộ, ban, ngành đẩy mạnh cho vay, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa tàu cá do Chính phủ đề ra.
Kết quả đến ngày 29/02/2016, Agribank đã triển khai cho vay 152 tàu, trong đó cho vay đóng mới 138 tàu và nâng cấp 14 tàu. Tổng số tiền cam kết theo hợp đồng tín dụng đã ký kết là 1.241,13 tỷ đổng, giải ngân được 768,39 tỷ đồng. Các tàu đều được giải ngân đúng tiến độ để đảm bảo thời gian hạ thủy. Ngoài ra, Agribank hiện đang thẩm định 65 tàu với tổng số tiền vay dự kiến 736,63 tỷ đồng. Với kết quả như trên, Agribank là ngân hàng thương mại có tổng số tàu cho vay chiếm tỷ trọng 38% tổng số tàu cho vay của toàn hệ thống ngân hàng.
Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng “67”
Tính đến nay, các ngân hàng thương mại đã nhận 605 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu tại 27 tỉnh, thành phố. Trong đó đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 385 tàu (đóng mới 365 tàu, nâng cấp 20 tàu) với tổng số tiền gần 3.900 tỷ đồng và đã giải ngân gần 2.000 tỷ đồng. Mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 60 - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp con tàu; tài sản bảo đảm là chính con tàu. Đến nay, đã có 84 tàu cá đóng mới, 12 tàu nâng cấp được hạ thủy và đi vào khai thác. Bên cạnh đó, các NHTM còn giải ngân cho 204 lượt khách hàng vay vốn lưu động, với tổng số tiền gần 64 tỷ đồng.
Mặc dù Nghị định 67 đã được các ngân hàng triển khai quyết liệt, song thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Để việc triển khai Nghị định đạt kết quả cao hơn, ông Trương Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc Agribank cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các sở tại địa phương cần xúc tiến việc chứng nhận từng hạng mục tàu cá, đảm bảo đúng với thiết kế đã được phê duyệt, hỗ trợ ngân hàng trong việc giám sát giải ngân đúng tiến độ. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách của Nghị định 67 để đảm bảo hiệu quả đồng vốn.
Việc ứng trước vốn đóng tàu chờ phê duyệt là hiện thực khách quan, do quá trình phê duyệt của UBND tỉnh thường đòi hỏi thời gian, nhưng hoạt động đánh bắt có thời vụ, nên nhiều khách hàng đã ứng tiền để đảm bảo tàu hạ thủy đúng thời vụ. Vì vậy, Agribank cũng đề nghị, Bộ Tài chính, NHNN nên xem xét, cho phép những khách hàng này được hưởng cấp bù lãi suất theo Nghị định 67 để phù hợp với thực tế tại địa phương…
Thùy Liên

Theo baodautu.vn