Trên hành trình tuyến đường sắt Bắc - Nam, ga Đà Nẵng là đặc biệt nhất. Nếu như ở các sân ga khác, tàu dừng lại trả khách rồi tiếp tục hành trình thì mỗi khi vào ga Đà Nẵng, tàu phải quay ngược trở ra gần 5 km mới nhập vào hệ thống đường sắt Bắc - Nam để tiếp tục hành trình.
Là một trong những nhà ga lớn nhất của Đường sắt Việt Nam, ga Đà Nẵng nằm lọt thỏm trong nội thị với lịch sử hơn 110 năm tồn tại. Cùng với bến xe, sân bay, ga Đà Nẵng là một đầu mối giao thông phục vụ việc đi lại của người dân, du khách và phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung. Trước nhu cầu phát triển, dù đã được sửa chữa và nâng cấp nhiều lần, nhưng sự phát triển vượt bậc của đô thị Đà Nẵng khiến nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt không ngừng tăng. Trong khi đó, nhiều hạng mục hạ tầng đường sắt ở Đà Nẵng không đáp ứng nhu cầu thực tiễn, việc khắc phục tình trạng quá tải gặp không ít khó khăn vì bị “đóng khung” bởi các khu dân cư đông đúc lân cận.


Ga Đà Nẵng hiện nằm trong nội thành Thành phố, gây trở ngại cho an toàn giao thông và phát triển đô thị


Ga Đà Nẵng hiện có diện tích hơn 44.000 m2, với tuyến đường sắt giao cắt với nhiều đường bộ, gây không ít trở ngại cho đô thị. Trở ngại lớn nhất về giao thông khi có nhiều tuyến phố cắt qua đường sắt, dẫn đến ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Kế tiếp là tác động về môi trường, khi mà khu vực sân ga và dọc đường sắt trong nội thị luôn nhếch nhác. Đường sắt dài chạy thẳng vào trung tâm thành phố nên sinh ra nhiều đường ngang dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về tai nạn giao thông. Trước những yêu cầu và đòi hỏi phát triển đô thị hiện đại, khang trang, những bức xúc về an toàn dân sinh, việc di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố bức thiết hơn bao giờ hết. Dự án di dời ga Đà Nẵng ra khỏi khu vực trung tâm thành phố có phạm vi triển khai bao gồm ga Đà Nẵng và công trình liên quan từ Km 750+000 đến Km 806+000.
Cụ thể, ga mới Đà Nẵng sẽ tách ra làm hai ga hành khách và hàng hóa. Theo đó, ga hành khách mới có quy mô 33 ha (giai đoạn 1), đặt tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu; Ga hàng hóa mới có quy mô 25 ha, đặt tại phường Hòa Hiệp Nam. Dự án này phù hợp với điều chỉnh quy hoạch ngành đường sắt giai đoạn 2013 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030, cũng như quy hoạch phát triển đô thị TP. Đà Nẵng. Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 6.900 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, nếu có đủ tiền và làm nhanh thì ít nhất phải 5 năm nữa mới có ga Đà Nẵng mới. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tưởng chừng bế tắc, thực hiện chủ trương của Chính phủ về xã hội hóa đầu tư, Bộ GTVT đã kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án để tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Có 4 nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến dự án này là Tập đoàn T&T, Công ty Nam Việt Á, Tập đoàn Vingroup và CTCP Tập đoàn Đức Long Bình. Trong đó, Tập đoàn Vingroup đã gửi văn bản đến Bộ GTVT đề xuất đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Trong khi đó, phía UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) đang thực hiện hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị. Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Thành phố mong muốn sớm di dời ga đường sắt ra khỏi khu vực trung tâm. “Chúng tôi rất mong các cơ quan của Bộ GTVT phối hợp với Thành phố nghiên cứu để nhanh chóng đưa dự án này vào triển khai”, ông Tuấn nói.
Trong những lần làm việc trước đây giữa Bộ GTVT và UBND TP. Đà Nẵng thì phương án di dời ga cũ đã được thống nhất gồm: thi công chiều dài tuyến 18,26 km, tổng mức đầu tư giai đoạn I hơn 2.500 tỷ đồng... Tuy nhiên, tại buổi làm việc mới nhất về di dời ga đường sắt Đà Nẵng cũ giữa Bộ GTVT và UBND TP. Đà Nẵng ngày 5/3 thì Ban Quản lý dự án đường sắt (PMUR) lại đưa ra 4 phương án.
Bất ngờ trước thông tin này, ông Nguyễn Thành Tiến, Phó trưởng phòng Quản lý quy hoạch đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho rằng, phương án 1 đã được các bên cơ bản thống nhất. Vậy mà nay lại đưa ra 4 phương án thì Đà Nẵng không biết phải làm sao. Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng, việc PMUR đưa ra quá nhiều phương án làm cho vấn đề quy hoạch di dời thêm rối rắm. Ông Tuấn lưu ý PMUR trong khi lập dự án nên tìm hiểu kỹ thực tế hiện trạng sử dụng ga Đà Nẵng, công năng khi chuyển đổi và đặc biệt phải thực tế, không thể cứ ngồi trên “phán” xuống.
Trong phương án đề xuất, PMUR đề nghị Bộ GTVT và UBND TP. Đà Nẵng thống nhất chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BT, thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư bằng giá trị quỹ đất ga Đà Nẵng hiện tại, phần kinh phí chênh lệch (nếu có) thực hiện theo quy định hiện hành. Trường hợp TP. Đà Nẵng sử dụng quỹ đất khu ga Đà Nẵng hiện tại để xây dựng, phát triển đô thị thì Đà Nẵng bố trí quỹ đất khác, có giá trị tương đương với giá trị dự án để hoàn trả cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, quỹ đất sau khi di dời ga Đà Nẵng, Thành phố sẽ tính toán xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Vì vậy, kết thúc lần làm việc thứ 4 giữa Bộ GTVT và UBND TP. Đà Nẵng vẫn chưa chốt được phương án di dời ga Đà Nẵng ra khỏi nội thành.
Hà Minh

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: