Vài năm trở lại đây, hàng loạt doanh nghiệp có mã cổ phiếu tốt lần lượt xin rời sàn chứng khoán, như Công ty cổ phần Beton 6, Công ty Dược phẩm Mekophar, Tribeco, Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế, Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng... Trong đó, năm 2015, một số doanh nghiệp xin rời sàn là Công ty Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn, Công ty cổ phần Ngô Han, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú, Công ty cổ phần Thế kỷ 21 và Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng.
Thị trường chứng khoán luôn là nơi huy động vốn hiệu quả nhất. Nguồn vốn này dài hạn và đủ sức phục vụ các kế hoạch đầu tư lâu dài của doanh nghiệp. Do đó, động thái rời sàn của những công ty trên khó có thể dẫn đến kết luận rằng, sàn chứng khoán không còn hấp dẫn. Họ rời sàn với 2 lý do chủ yếu liên quan đến là việc niêm yết chưa mang lại hiệu quả kinh doanh và để huy động vốn kinh doanh tốt hơn thông qua các giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A).


Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lan Ngọc Đông Dương (ngồi giữa) làm CEO trong tình huống tuần này


Hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đau đầu chuyện tài chính trong thời hội nhập. Nếu không niêm yết thì doanh nghiệp rất khó tiến tới minh bạch tài chính để huy động vốn, nhưng niêm yết thì không đủ lực để theo. Trường hợp của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu bao bì là một ví dụ.
Doanh nghiệp này đang kinh doanh khá ổn định và cơ hội mở rộng thị trường trong tầm tay. Thị trường đứng trước nguy cơ cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN vừa được thiết lập và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực vào năm 2018. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm một hướng phát triển mới và đột phá hơn.
Để làm việc đó, CEO và các cổ đông đã ngồi lại với nhau để xây dựng chiến lược phát triển mới cho doanh nghiệp. Trong quá trình này, cả CEO và các cổ đông đều nhận thấy, doanh nghiệp cần phải có một giải pháp tài chính rõ ràng để hỗ trợ cho chiến lược phát triển trong giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, khi bàn đến giải pháp tài chính cụ thể, thì CEO và các cổ đông lại có ý kiến trái ngược nhau.
Các cổ đông cho rằng, để đáp ứng chiến lược phát triển của công ty về dài hạn, doanh nghiệp cần có một chiến lược tài chính tương ứng và đáp ứng nhu cầu phát triển, cạnh tranh và hội nhập. Do đó, doanh nghiệp cần phải xây dựng một hệ thống quản trị tài chính minh bạch nhằm hướng đến niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là con đường hiệu quả nhất giúp doanh nghiệp đảm bảo được nguồn vốn trong quá trình phát triển và hội nhập.
Tuy nhiên, CEO lại cho rằng, một doanh nghiệp nhỏ và vừa khi xây dựng hệ thống quản trị tài chính minh bạch sẽ gặp nhiều khó khăn và rất tốn kém. Hơn nữa, việc huy động vốn thông qua niêm yết trên thị trường chứng khoán rất phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức, thời gian. Đó là chưa kể, lãnh đạo phải nâng cao khả năng quản trị, điều hành sản xuất - kinh doanh khi trở thành đại chúng.
Vì vậy, CEO đề nghị huy động vốn trong các cổ đông hiện tại hoặc tìm đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí vay ngân hàng. Điều này sẽ phù hợp với thực lực và quy mô của doanh nghiệp. “Tôi không đồng tình với CEO, vì đây là giải pháp ngắn hạn, không thể đáp ứng được chiến lược phát triển của công ty trong tương lai”, một cổ đông nói.
Với những quan điểm trái chiều, CEO sẽ có động thái gì tiếp theo để có được sự đồng thuận của các cổ đông.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO – Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.
Anh Vũ

Theo baodautu.vn