Con số thiệt hại đã lên tới cả ngàn tỷ đồng, cuộc sống của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, tìm vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để ngăn mặn là một trong những giải pháp căn cơ, phải được ưu tiên hàng đầu.
Có lẽ hậu quả của biến đổi khí hậu đã tác động đến Việt Nam sớm hơn dự báo. ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đem về cho đất nước mỗi năm hàng chục tỷ USD xuất khẩu hàng hóa đang rơi vào khó khăn chưa từng thấy. Thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, chỉ tính riêng 160.000 ha lúa đông - xuân tại ĐBSCL bị ảnh hưởng do đợt xâm nhập mặn sâu đang diễn ra, thiệt hại đã lên tới 5.000 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến 1,5 triệu người dân. Con số này dự báo sẽ tăng lên 3 - 4 lần bởi tình hình xâm nhập mặn còn nghiêm trọng hơn vào tháng 3 này và tháng 4 tới.


.


Tại hầu hết các tỉnh ĐBSCL, những giọt nước mắt mặn chát của người dân đang rơi trên những cánh đồng lúa khô xác xơ, nứt nẻ, bên những đầm tôm chết trắng vì dịch bệnh, hay những đàn gia súc đang ít dần vì thiếu nước, thiếu thức ăn. Không chỉ thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cũng ngày càng khan hiếm, khiến đời sống người dân bị đảo lộn.
Nguyên nhân của đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại vùng ĐBSCL là do hiện tượng El Nino kéo dài, cộng thêm nước thượng nguồn sông Mekong về rất ít do hàng loạt công trình thủy điện của Trung Quốc, Lào, Campuchia được xây dựng trong thời gian qua.
Để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do tình trạng trên gây ra, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, bộ ngành hữu quan đang khẩn trương triển khai các biện pháp như khoanh nợ, giãn nợ, trợ cấp cho vùng thiệt hại, lắp đặt trạm bơm nước dã chiến, tạm ngừng xuống giống, đắp đê bao ngăn mặn, đào vét kênh để giữ nước ngọt… Song đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Các chuyên gia khí tượng cho rằng, trong tương lai, ĐBSCL sẽ ngày càng chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán, ngập mặn, ngập lụt... Thậm chí, chưa đầy 100 năm nữa, có thể toàn bộ ĐBSCL sẽ chịu cảnh ngập mặn. Vựa lúa, vựa thủy sản - nơi đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm của cả quốc gia đang bị đe dọa. Do đó, khẩn trương xây dựng các công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ nước ngọt là một trong những giải pháp căn cơ cần tính đến.
Nhưng vấn đề nan giải nhất hiện nay vẫn là tìm đầu ra nguồn vốn bởi ĐBSCL đang cần khoảng 32.500 tỷ đồng để thực hiện các công trình cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu, trong khi ngân sách mới chỉ bố trí được khoảng 50%. Bức thiết nhất là cần 1.060 tỷ đồng cho các địa phương trong vùng thực hiện những công trình cấp bách ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.
Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay, rõ ràng, để đáp ứng nhu cầu đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương tìm thêm các nguồn vốn, nhất là vốn ODA, cổ phần hóa doanh nghiệp để đầu tư trọng tâm, trọng điểm... Bên cạnh đó, phải khẩn trương rà soát lại các dự án đầu tư dang dở để khẩn trương bố trí vốn, hoàn thành dứt điểm. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT cũng cần quy hoạch lại vùng sản xuất, tính toán thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở ĐBSCL gắn với biến đổi khí hậu.
Lâu nay, Việt Nam xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, nhưng người dân trồng lúa vẫn nghèo. Vì vậy, nên chăng cần thu hẹp dần diện tích trồng lúa, chỉ giữ lại diện tích ở những vùng cho năng suất cao, chất lượng tốt để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Riêng với những vùng có điều kiện bất lợi, cần chuyển đổi sang trồng các loại cây, con khác có khả năng chịu mặn, chịu hạn cao, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong canh tác... Đặc biệt, cần điều chỉnh việc xây dựng các công trình thủy lợi trong thời gian tới sao cho phù hợp với cơ cấu cây trồng, vật nuôi và điều kiện biến đổi khí hậu.
Thùy Liên

Theo baodautu.vn