Thưa ông, có thể nói, năm 2015 là một năm không vui với ngành tôm Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu năm qua có thể giảm 1 tỷ USD. Điều đáng chú ý là, sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu ngày càng gay gắt, con tôm Việt gặp thách thức mạnh mẽ từ các nước xuất khẩu đối thủ.
Tình hình xuất khẩu tôm năm 2015 xấu hơn so với đánh giá được đưa ra trước đó. So với mức xấp xỉ 4 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2014, thì xuất khẩu năm 2015 sẽ giảm đáng kể. Nhiều thị trường chính nhập khẩu tôm Việt Nam đều ghi nhận sự sụt giảm như Mỹ, Nhật Bản, EU. Dù Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm số một của Việt Nam, nhưng trong cơ cấu thị trường, tỷ trọng xuất sang thị trường này đã giảm. Điều này mang tới cho chúng ta sự quan ngại lớn.
Nguyên nhân của tình trạng trên là kinh tế suy yếu khiến nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường nhập khẩu chính rơi vào cảnh sụt giảm. Đồng thời, chúng ta chịu tác động từ việc đồng tiền của một số nước nhập khẩu chủ lực như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… mất giá mạnh, dẫn đến giá nhập khẩu giảm. Trong khi đó, đồng tiền các nước cung cấp tôm lớn trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador… mất giá tới 20-30%, nhưng Việt Nam cơ bản vẫn giữ giá VND, dẫn đến hiệu quả cạnh tranh kém hơn. Ngoài ra, xuất khẩu tôm của Việt Nam còn gặp áp lực từ nguồn cung tôm từ các nước châu Á.






Doanh nhân Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận




Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu tôm không chỉ ảnh hưởng tới khâu nuôi trồng, chế biến, mà còn tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp sản xuất tôm giống. Nam Miền Trung chắc cũng không phải là ngoại lệ?
Điều đáng lo ngại trong khâu nuôi trồng tôm là năng suất, môi trường nuôi chưa được cải thiện. Hiện tượng tôm bị bệnh chết sớm, chậm lớn… diễn ra khá phổ biến, khiến năng suất, chất lượng tôm chưa đạt yêu cầu, chi phí sản xuất tăng lên. Cùng với diễn biến thị trường thế giới như đã nói ở trên, tình hình này khiến các chủ thể trong chuỗi giá trị ngành tôm Việt Nam chịu tác động bất lợi “kép”.
Có nhiều nguyên nhân khiến năng suất, chất lượng tôm thương phẩm chưa đạt kỳ vọng, như môi trường nuôi ô nhiễm, thời tiết, dịch bệnh… Theo tôi, nguyên nhân không kém phần quan trọng là chất lượng tôm giống trước khi thả nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ. Có thể nói, chất lượng tôm giống hiện nay “vàng thau lẫn lộn”, tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.
Ngoài ra, thách thức lớn nhất đối với quy trình nuôi tôm là sự hỗn loạn chế phẩm sinh học, vi sinh, các loại thuốc xử lý, gia hóa tôm giống bố mẹ không kiểm soát... Chúng ta chưa có quy chuẩn quản lý chặt lĩnh vực này để có nguồn tôm giống sạch bệnh và chất lượng cung cấp cho nông dân nuôi tôm.
Với Nam Miền Trung, chúng tôi cũng chịu tác động từ tình hình chung. Các chỉ tiêu kinh doanh không như kế hoạch đề ra, nhưng do có sự quan tâm đầu tư đúng mức cho quy trình nuôi để đưa ra thị trường tôm giống chất lượng, nên Nam Miền Trung hoạt động khá ổn định, thị trường được giữ vững, uy tín thương hiệu được nâng cao.
Như ông nói, yếu tố tiên quyết là chất lượng tôm giống phải được kiểm soát để tạo nền tảng cho ngành nuôi tôm thành công. Vậy ở Nam Miền Trung, yếu tố này được kiểm soát thế nào?
Nếu chúng ta không có nguồn tôm giống sạch bệnh thì chẳng có vụ nuôi thành công, đồng nghĩa với không có nguồn tôm thương phẩm chất lượng và lẽ dĩ nhiên là ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu tôm sẽ gánh nhiều hệ lụy.
Với phương châm “làm giàu cho bạn”, Nam Miền Trung tâm niệm giúp nông dân nuôi tôm làm giàu trước, sau đó mới là sự thành công của doanh nghiệp. Triết lý kinh doanh này được chúng tôi thể hiện thông qua việc cung cấp giống tôm chất lượng, sạch bệnh. Để có được điều đó, chúng tôi dành nhiều tâm huyết cho việc nâng cao chất lượng tôm giống không chỉ đứng hàng đầu tại Việt Nam, mà còn ngang bằng khu vực ASEAN và thế giới.
Quy trình sản xuất tôm giống tại Nam Miền Trung vận dụng dây chuyền kiểm soát chất lượng bởi trung tâm xét nghiệm công nghệ hiện đại. Theo đó, các yếu tố đầu vào được kiểm tra rất nghiêm ngặt. Mỗi lô tôm giống đều được kiểm soát trong suốt quá trình nuôi và được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Chúng tôi đã đạt bước đột phá về công nghệ nuôi tôm khi sử dụng tảo tươi, nước biển tự nhiên, không bị lẫn các nguồn gây ô nhiễm, không phải can thiệp bằng hóa chất xử lý. Nam Miền Trung cũng là đơn vị duy nhất trong lĩnh vực này có trung tâm xét nghiệm được chuyển giao từ các tập đoàn hàng đầu từ Mỹ, Thụy Sỹ, giúp kiểm soát tốt bệnh. Hiện chúng tôi đã cơ bản khống chế tất cả các loại bệnh trên tôm giống.
Ngoài ra, nguồn tôm bố mẹ có dòng gen kháng bệnh cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và môi trường Việt Nam được nhập khẩu 100% từ các tập đoàn chuyên nghiên cứu, đầu tư và chuyển giao công nghệ lai tạo gen hàng đầu thế giới như KONABAY, SIS Hawaii (Mỹ)… Mỗi năm, chúng tôi cung cấp 6 tỷ con giống cho nông dân nuôi tôm trải từ Bắc tới Nam và chiếm thị phần lớn.
Theo dự báo, năm 2016, ngành tôm Việt Nam nói chung sẽ phải nỗ lực nhiều thì mới có thể duy trì và củng cố vị thế trên thế giới, thưa ông?
Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành tôm bởi diện tích ven biển lớn. Hiện tại, ngành này thu hút khoảng 4 triệu hộ gia đình nuôi tôm thương phẩm. Tôm là một trong số ít mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch dao động từ 3 đến 4 tỷ USD/năm. Chuỗi giá trị ngành tôm mang lại nhiều việc làm và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Nếu tận dụng tốt lợi thế, chắc chắn trong thời gian tới, ngành tôm Việt Nam sẽ vượt qua các nước trong khu vực và góp phần làm giàu cho hàng triệu nông dân.
Điểm mấu chốt là chúng ta cần tổ chức lại phương thức nuôi trồng nhằm đảm bảo môi trường nuôi không bị ô nhiễm và phát triển bền vững. Theo đó, công tác dự báo thời tiết, mùa vụ, dịch bệnh… cần được nâng cao một bước, giúp quản trị tốt hơn quy trình nuôi tôm. Hơn nữa, việc cần làm ngay là các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý các mắt xích về tôm giống, thuốc và thức ăn thủy sản, bởi đây là khâu yếu kém và tiềm tàng rủ ro rất lớn, quyết định sự thành bại của ngành tôm.
Trong bối cảnh đó, Nam Miền Trung hoạch định gì cho sự phát triển của mình?
Dù còn thách thức, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực đồng hành cùng ngành tôm trên con đường đưa con tôm Việt Nam xác lập vị thế vững vàng trên thị trường quốc tế. Nam Miền Trung sẽ phát triển không ngừng về lĩnh vực tôm giống. Chúng tôi cũng dự tính tham gia thêm khâu thu mua chế biến thủy sản xuất khẩu, nhằm góp phần giải quyết đầu ra cho con tôm thương phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kinh doanh các loại thực phẩm, chế phẩm sinh học phục vụ chuỗi cung ứng ngành nuôi tôm Việt Nam.
Về chất lượng, Nam Miền Trung tiếp tục hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để nâng cao hơn nữa chất lượng tôm giống theo hướng cải tiến công nghệ để sản xuất tôm bền vững. Mục tiêu năm 2017 là Nam Miền Trung sẽ trở thành tập đoàn, là đối tác được ưa chuộng nhất trong lĩnh vực tôm giống.
Năm qua, với hoạt động ổn định, thị trường giữ vững, uy tín thương hiệu được nâng lên, các chỉ tiêu tài chính doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh, Nam Miền Trung tiếp tục khẳng định là doanh nghiệp lớn trong top 3 doanh nghiệp dẫn đầu “làng” tôm giống Việt Nam. Năm 2015, chúng tôi vinh dự đoạt giải Sao Vàng đất Việt, trở thành doanh nghiệp tôm giống đầu tiên đoạt danh hiệu này. Đây là chỉ dấu quan trọng khẳng định uy tín chất lượng cũng như triết lý kinh doanh bài bản, đặt lợi ích nông dân nuôi tôm lên hàng đầu của chúng tôi.
Chúng tôi đang có kế hoạch thành lập Trung tâm Sản xuất tôm giống mang tầm quốc gia tại tỉnh Bình Thuận. Trung tâm này sẽ hội tụ rất nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực công nghệ nuôi tôm. Nam Miền Trung sẽ áp dụng chuỗi sản xuất tôm giống hiện đại nhất thế giới tại đây.
Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, quy trình sản xuất, đảm bảo công nghệ hiện đại cho chuỗi sản xuất tôm giống để cho ra sản phẩm an toàn nhất, tốt nhất và khẳng định thương hiệu Nam Miền Trung.
Ngọc Tuấn

Theo baodautu.vn