Để phát triển một cách an toàn, bền vững, nguồn vốn tăng thêm phải lành mạnh



Thực tế, có không ít nhà băng đã đưa ra kế hoạch tăng vốn trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thể thực hiện. Cụ thể, năm 2015, Saigonbank đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng (tăng 920 tỷ đồng so với năm 2013) theo phương án đã trình ĐHCĐ thông qua.
Kế hoạch này đã được ĐHCĐ Saigonbank thông qua từ 3 năm trước nhưng chưa thể triển khai. Bởi vậy, phát biểu tại ĐHCĐ Saigonbank ngày 24/4/2015, Cục trưởng Cục II Cơ quan Giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ông Nguyễn Văn Dũng đã có cảnh báo, một khi đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm 2015, Saigonbank phải có giải pháp để đạt được.
Trong năm qua, một số ngân hàng nhỏ khác cũng nỗ lực tăng vốn điều lệ, nhưng do thị trường còn những khó khăn nhất định, giá cổ phiếu ngân hàng chưa ấm lên nên kết quả thành công vẫn khiêm tốn. Chẳng hạn, Nam A Bank đặt kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, song chưa thể hoàn thành.
Cuối năm 2015, VietABank đã phát hành hơn 17 triệu cổ phiếu để tăng vốn. Với mệnh giá 10.000 đồng/CP, tổng giá trị cổ phiếu phát hành theo mệnh giá đạt 170,6 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Đầu tư Hải Phát đã chi 165 tỷ đồng mua 16,5 triệu cổ phiếu và chính thức nắm giữ 4,71% vốn của VietABank. Trong năm 2015, VietABank đã đặt mục tiêu tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng, tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa công bố kết quả nâng vốn.
Cùng thời gian trên, NHNN đã chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của OCB từ 3.547 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng theo phương án đã được ĐHCĐ Ngân hàng thông qua. Theo đó, OCB sẽ phát hành 5% cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương hơn 172 tỷ đồng từ lợi nhuận năm và phát hành riêng lẻ cho đối tác chọn lọc trên 338 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, BacA Bank vừa hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 3.700 tỷ đồng lên 4.400 tỷ đồng theo phương thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, NHNN vừa tiếp tục chấp thuận cho nhà băng này tăng vốn điều lệ từ 4.400 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ thông qua.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, năm 2016 các ngân hàng thương mại phải nâng cao năng lực tài chính, nhất là các ngân hàng thương mại quy mô vốn còn nhỏ. Đồng thời, tăng cường quản trị rủi ro để hạn chế nợ xấu. Theo ông Thanh, các thông lệ mới đã được đưa ra nên bắt buộc các ngân hàng thương mại nhỏ phải tăng cường năng lực tài chính mới có thể đáp ứng được và tạo sức mạnh cho mình trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày một khốc liệt.
Tuy nhiên, để phát triển một cách an toàn, bền vững, nguồn vốn tăng thêm phải lành mạnh. Nếu tăng vốn bằng vốn ảo, sớm muộn các ngân hàng sẽ phải gánh chịu khó khăn. Điều này có nghĩa, vấn đề sở hữu chéo trong thời gian tới sẽ được kiểm soát rốt ráo hơn, giảm tỷ lệ sở hữu chéo và NHNN sẽ mạnh tay hơn nữa.
Không chỉ các ngân hàng nhỏ nỗ lực tăng vốn, sau khi sáp nhập với các ngân hàng nhỏ yếu kém, vốn điều lệ của nhiều nhà băng lớn đã tăng mạnh mẽ nhưng nhiều nhà băng vẫn đặt mục tiêu cao hơn nữa. Chẳng hạn, Sacombank sau khi sáp nhập Southernbank vốn điều lệ đã tăng lên 18.853 tỷ đồng; VietinBank sau khi sáp nhập PGBank tăng lên 40.234 tỷ đồng và mục tiêu sắp tới là 49.975 tỷ đồng; vốn điều lệ của BIDV tăng thêm 3.062 tỷ đồng sau khi sáp nhập MHB, đạt mức 31.481 tỷ đồng;…
Bên cạnh đó, một số nhà băng khác cũng đã tăng vốn thành công trong năm qua như: MB đã tăng vốn lên gần 16.000 tỷ đồng; VPBank tăng từ 6.348 tỷ đồng cuối năm 2014 lên 8.056 tỷ đồng cuối quý II/2015;…
Đầu năm 2015, SCB đã tăng vốn điều lệ từ 12.294 tỷ đồng, lên 14.294 tỷ đồng. Báo cáo tại ĐHCĐ thường niên 2015, HĐQT SCB cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn, phù hợp với tốc độ tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh. Vì thế, mục tiêu đến hết năm 2016, vốn điều lệ của SCB đạt mức 16.000 tỷ đồng và thậm chí còn cao hơn trong thời gian tới.
Thuỳ Vinh (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn