Ngân hàng nhộn nhịp đầu năm
Chỉ sau 30 phút mở cửa vào ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) Chi nhánh Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) đã tấp nập khách xếp hàng, đa phần là khách đến gửi tiền. Nhân viên ở đây cho hay, lượng khách giao dịch đông khiến hệ thống mạng của Ngân hàng bị nghẽn. Nhiều khách hàng phải chấp nhận lấy chứng từ trước và quay lại lấy sổ tiết kiệm sau.
Không chỉ SCB mà tại nhiều ngân hàng khác, trong 2 ngày giao dịch đầu tiên của năm mới, lượng khách giao dịch, nhất là gửi tiết kiệm rất đông. Để hút khách gửi tiền đầu năm, đa phần các ngân hàng đều có chương trình “lì xì” để tặng cho khách giao dịch. Ngoài phần lì xì, nhiều ngân hàng còn có chương trình bốc thăm trúng thưởng ô tô, ti vi, vàng, phiếu mua hàng tại siêu thị, tiền mặt… hoặc cộng thêm lãi suất cho khách hàng.






Các ngân hàng phải cạnh tranh huy động nguồn tiền nhàn rỗi ngay từ sau Tết Nguyên đán



Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc các tổ chức tín dụng đẩy mạnh huy động vốn gắn với việc triển khai các chương trình khuyến mại, tặng quà, tặng lãi suất, chuyển lãi suất tiền gửi qua lãi suất cho vay… làm tăng chi phí hoạt động, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất, thậm chí ảnh hưởng đến cả an toàn hoạt động của ngân hàng.
Được biết, từ cuối năm ngoái, lãi suất huy động đã được hàng loạt ngân hàng đồng loạt tăng lên. Theo thống kê của NHNN, chỉ tính riêng trong tháng 12/2015, toàn hệ thống đã có 11 ngân hàng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn khoảng 0,1-0,5%/năm. Lý do được các ngân hàng đưa ra là để đảm bảo khả năng thanh toán và dự phòng chi trả trong dịp Tết. Tuy nhiên, sau Tết, mặt bằng lãi suất huy động vẫn giữ nguyên, thậm chí còn tăng nhẹ, nếu tính cả các hình thức khuyến mãi.
Đại diện nhiều ngân hàng cho hay, tín dụng hơn một năm nay đã tăng trưởng đều qua các tháng, không còn “ngủ đông” những tháng đầu năm như trước đây. Do đó, các ngân hàng phải cạnh tranh huy động nguồn tiền nhàn rỗi ngay từ sau Tết Nguyên đán để chuẩn bị tăng trưởng tín dụng thời gian tới.

Chặn vượt trần lãi suất
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, lãi suất huy động tăng một phần do tín dụng hồi phục, một phần do các ngân hàng buộc phải tăng để giữ khách hàng khỏi các đối thủ khác. Xác nhận tình trạng này, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho hay, dù thanh khoản vẫn dồi dào, vốn khả dụng lớn, song ngân hàng này vẫn phải tăng nhẹ lãi suất để giữ chân khách hàng do lo ngại vốn chảy sang ngân hàng bạn.
Trước tình trạng cạnh tranh bằng lãi suất manh nha, cuối tháng 1/2016, NHNN đã ban hành Văn bản số 297/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. Tuy nhiên, các hình thức khuyến mãi với khách gửi tiền vẫn được các ngân hàng tung ra.
Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ của NHNN, ông Bùi Quốc Dũng thừa nhận, việc ổn định lãi suất ở mặt bằng hiện nay là một thách thức lớn với NHNN trong năm 2016, bởi có nhiều yếu tố tác động.
Thứ nhất, lạm phát được dự báo quanh mức 4-5% trong năm 2016 so với mức chỉ 0,6% của năm 2015.
Thứ hai, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 cũng cao hơn năm 2015, kéo theo nhu cầu tín dụng.
Thứ ba, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh (từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015) cũng là yếu tố tác động mạnh lên lãi suất.
Mặc dù vậy, ông Dũng khẳng định, năm 2016, NHNN sẽ thực hiện nhiều giải pháp để ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016.
Để thực hiện được mục tiêu này, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, trước hết, NHNN phải chặn được làn sóng tăng lãi suất huy động của các ngân hàng, ngăn chặn việc phá vỡ kỷ luật thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ cần điều tiết lượng và lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ bởi đây là một trong những yếu tố tác động lớn nhất đến lãi suất hiện nay.
Hà Tâm

Theo baodautu.vn