Người tiêu dùng đang mong chờ sự hạ giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sau khi giá xăng đã được điều chỉnh giảm mạnh



Tuy nhiên, trong khi các cơ quan quản lý đưa ra một loạt văn bản yêu cầu một số ngành hàng điều chỉnh giá phù hợp thì người tiêu dùng vẫn "dài cổ" chờ những mặt hàng này sẽ giảm giá tương ứng.
Khó hiểu
Giá xăng dầu giảm liên tục, mặt hàng đầu tiên được chú ý là giá cước vận tải, taxi. Giá mặt hàng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp bởi giá xăng dầu (đầu vào) mà ở đầu ra, nó liên quan đến nhiều ngành hàng khác. Tuy nhiên, sau lần thứ 4 giảm giá xăng dầu trong năm nay, giá cước vận tải, như những lần trước, vẫn án binh bất động.
Từ đầu năm 2016 đến nay, xăng đã có 4 lần giảm giá liên tiếp với tổng mức giảm 2.700 đồng. Thời điểm hiện tại, giá xăng còn 13.750 đồng/lít. Quay ngược thời gian giá xăng vào giữa năm 2014 là 25.6400 đồng/lít, như vậy, giá xăng hiện chỉ bằng gần một nửa. Thời điểm đó, giá cước taxi là từ 12.000 - 15.000 đồng/km. Tuy nhiên, giá cước taxi hiện vẫn loanh quanh ở mức trung bình trên dưới 11.500 đồng/km. Giá thấp nhất hiện ở mức 10.500 đồng/km chỉ áp dụng cho những hãng xe ít tên tuổi, trong khi giá cước taxi loại xe 7 chỗ vẫn ở mức 15.000 đồng/km. Cùng chung bệnh “tăng nhanh, giảm chậm”, một loạt DN kinh doanh vận tải khác cũng “án binh bất động” hoặc nếu giảm cước cũng chỉ nhỏ giọt.
Điều đáng nói là cùng với việc giá xăng dầu liên tục giảm, những cơ quan quản lý như GTVT, tài chính… đều quyết liệt yêu cầu DN vận tải giảm giá cước, qua đó hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh khác giảm giá các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu… Tuy nhiên, sự quyết liệt ấy mới chỉ dừng lại trên các văn bản mà chưa có các biện pháp xử lý tích cực.
Theo TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế, việc giá cước vận tải và nhiều mặt hàng khác không giảm theo giá xăng dầu thể hiện sự bất lực trong quản lý của cơ quan chức năng. Trong đó, sự can thiệp của cơ quan Nhà nước dường như đang thiếu công cụ để thực hiện một cách hiệu quả.
Giá các mặt hàng tiêu dùng cũng… chờ
Cùng với giá cước vận tải, người tiêu dùng cũng đang mong chờ sự hạ giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu liên quan đến giá xăng.
Đại diện một số DN sản xuất cho biết, từ giữa năm ngoái đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã giảm khoảng 30% giúp chi phí sản xuất của DN giảm khoảng 4%, thậm chí nhiều hơn. Chính vì vậy, không có lý do gì giá hàng hóa không giảm trong thời điểm này. Tuy nhiên, trên thị trường, giá hàng hóa vẫn đang khá cao so với thời điểm trong Tết. Cụ thể, giá thực phẩm, nhiều loại rau xanh vẫn giữ ở mức khá cao. Theo chủ sạp hàng thực phẩm Trịnh Thị Sâm, chợ Thành Công ngày 20/2, hiện giá một số mặt hàng thực phẩm tăng đôi chút nên mức tiêu thụ chậm, sạp của chị chỉ bán được khoảng 40kg/ngày (mọi năm 60kg/ngày).
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, theo đúng mức giảm giá của xăng dầu thì giá hàng hóa phải giảm tương ứng từ 5 - 7% mới phù hợp. Tuy nhiên, các DN sản xuất hàng hóa vẫn không chịu giảm giá. “DN vận tải thì vin cớ mỗi lần giá xăng giảm vài trăm đồng không bõ bèn gì, trong khi một lần điều chỉnh giá lại tốn khá nhiều công sức, chi phí nên không giảm theo. Còn DN sản xuất hàng hóa vin cớ các DN vận tải không chịu giảm giá cước nên họ cũng không thể giảm giá hàng hóa theo” - ông Phú cho hay.
“Đã đến lúc không nên có những văn bản đề nghị địa phương quản lý giá cả một cách chung chung. Thay vào đó, cần phải dứt khoát yêu cầu thực hiện vấn đề giá cả một cách nghiêm túc, nhanh chóng, không được tìm kế hoãn binh. Ngoài ra, cần có chế tài xử phạt nghiêm túc thì mới tránh được tình trạng các DN “móc ví” người tiêu dùng, đem lại sự công bằng cho thị trường. Nếu chúng ta không nâng hiệu năng quản lý Nhà nước thì 10 năm nữa vẫn thế mà thôi!”, TS Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến.
Thanh Hằng (KTĐTOnline)

Theo baodautu.vn