Lâu nay, nhiều nhãn hàng sữa ghi nhập nhèm sữa tiệt trùng, sữa thanh trùng… mà bỏ qua yếu tố quan trọng nhất làm nên chất lượng sữa (sữa tươi hay sữa hoàn nguyên) khiến người tiêu dùng thiệt thòi.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH true MILK bức xúc nói: “Nhiều loại sữa bán trên thị trường hiện nay, bao bì chỉ ghi sữa thanh trùng hay tiệt trùng, trong khi lại không ghi rõ là nguyên liệu đầu vào là sữa tươi hay sữa bột pha lại. Thậm chí tình trạng thông tin ghi trên bao bì không chính xác với thực tế của sản phẩm thì hình thức xử phạt hành chính cũng chỉ vài triệu đồng, DN sẵn sàng chịu phạt bởi lợi nhuận của sự nhập nhèm lên tới hàng trăm triệu đồng”, bà Hương nói.
Theo nguồn tin của TH true MILK, giá sữa bột trên thị trường thế giới đã giảm 50% nhưng giá sữa hoàn nguyên (sữa bột pha thành sữa nước) ở trong nước giảm rất chậm và rất cao ngang ngửa với sữa tươi. Trong khi đó, chất lượng sữa tươi lại tốt hơn nhiều so với sữa hoàn nguyên.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thảo, Trưởng phòng ATTP và Công nghệ Sinh học, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cũng cho rằng, hiện thị trường đang không có sự minh bạch về nhãn sản phẩm sữa, thậm chí còn có nghịch lý là sữa hoàn nguyên lại đắt hơn sữa tươi. Do đó, ông Nguyễn Quang Thảo kiến nghị, sau khi Bộ NN&PTNT ban hành Quy chuẩn về sữa tươi nguyên liệu thì Bộ Y tế cần có Quy chuẩn Việt Nam về sữa tươi.
Liên quan tới vấn đề này, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, quy chuẩn quốc gia về sữa do Bộ Y tế ban hành năm 2010 có quy định về ghi nhãn sữa đối với từng loại sữa tiệt trùng, sữa bột, sữa tươi, sữa cô đặc… Quy chuẩn đưa ra lúc đó tương đối phù hợp với thực tế của thị trường sữa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi sữa tươi trong nước phát triển đã khá mạnh, thị trường xuất hiện sự cạnh tranh gay gắt giữa dòng sữa tươi nguyên chất với dạng sữa bột pha nước thì quy định cũ không còn phù hợp nữa.
“Đã đến lúc cần có một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi mà ở đó nêu rõ sữa tươi tiệt trùng phải đúng là sữa lấy từ bò ra”, ông Vân nói.
Được biết, hiện sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước đạt hơn 700.000 tấn/năm, đủ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, cảnh nông dân đổ sữa vẫn xảy ra ở một số nơi, trong khi mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa bột.
Bà Thái Hương cho rằng, việc người chăn nuôi bò sữa ở một số địa phương thời gian qua phải đổ bỏ sữa tươi đi không phải do Việt Nam đã dư thừa sữa tươi mà do một số doanh nghiệp sữa thích nhập khẩu sữa bột về hoàn nguyên thành sữa nước để tiêu thụ vì lợi nhuận cao hơn. “Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận vào vấn đề và đừng nói hoa mỹ với nhau rằng, Việt Nam thừa sữa tươi nên nông dân mới đổ đi. Thực tế thì nhiều trẻ em ở Việt Nam không có sữa tươi để uống, thậm chí, trẻ em thành thị về mặt hình thức thì uống sữa tươi nhưng thực chất là sữa bột hoàn nguyên”.
Trước bất cập trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo Cục Chăn nuôi nhanh chóng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về sữa tươi nguyên liệu để có biện pháp kiểm soát, xử lý, đồng thời giúp minh bạch thị trường, khuyến khích sản xuất trong nước. “ Còn như hiện nay sữa bột nguyên liệu giá đang xuống rất thấp, các doanh nghiệp sẽ tận dụng nhập khẩu về để pha trộn và bán thu lãi lớn. Còn người nông dân thì dư thừa sữa, ngành chăn nuôi bò sữa sẽ khó khăn”- ông Cao Đức Phát nhìn nhận.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo Cục Chăn nuôi phải nhanh chóng hoàn thiện và ban hành Quy chuẩn sữa tươi chậm nhất vào tháng 6/2016, nếu không lãnh đạo Cục Chăn nuôi sẽ phải kiểm điểm trước Bộ trưởng.
Lý giải về nguyên nhân chậm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho hay, đơn vị này vẫn đang tiến hành dự thảo, việc chậm trễ một phần do đến nay Bộ chưa ban hành quyết định giao cho Cục triển khai.
Trong cuộc gặp gỡ giữa Bộ NN&PTNT các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đầu tuần này, rất nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ với Bộ trưởng về các vướng mắc gặp phải. Ngay lập tức, trong tuần này, Bộ trưởng liên tục sắp xếp các cuộc họp riêng với doanh nghiệp với sự tham dự của các bộ, ngành và các cục, vụ liên quan để giải quyết kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp.
Sự quyết liệt của người đứng đầu cho thấy, ngành nông nghiệp đang rất nỗ lực thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Thùy Liên

Theo baodautu.vn