Trong đó, Tổng công ty cổ phần Phong Phú (thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex) đã chuẩn bị nguồn lực cho hành trình vươn tới quy mô sản xuất lớn, sở hữu chuỗi sản xuất khép kín từ vài năm trở lại đây. Riêng trong năm 2015, DN này đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, mở rộng quy mô sản xuất, đón các cơ hội về thị trường.
Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú cho hay, giai đoạn này, đầu tư gia tăng, nhưng số dự án lại không dàn trải, tập trung vào những dây chuyền sản xuất thế mạnh, giúp DN hoàn thiện chuỗi cung ứng và gia tăng thế mạnh cạnh tranh tại các thị trường lớn.






.



Cụ thể, Phong Phú đang đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất vải dệt kim tại Nha Trang với tổng công suất 3.780 tấn/năm, tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động ngay trong quý I/2016.
Tiếp đến là Dự án đầu tư nhà máy dệt vải denim ở Nha Trang, với dây chuyền dệt nhuộm indigo hoàn chỉnh, công suất 35,7 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng.
Dự án thứ 3 là đầu tư dây chuyền in khăn bông tại TP.HCM, với công suất 4,8 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 36 tỷ đồng…
Ông Trình cho hay, các dự án đầu tư đã và đang triển khai kể trên sẽ là bàn đạp để DN hướng tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD sau 4 năm nữa.
“Sản phẩm khăn bông Phong Phú, đặc biệt khăn bông cao cấp với nhãn hiệu Mollis, đang chiếm lĩnh thị trường, được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng. Riêng sản phẩm dệt kim đã xuất khẩu ổn định sang thị trường Mỹ. Với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, vải và sản phẩm denim của Phong Phú đã có mặt tại thị trường Hàn Quốc. Sản phẩm sợi đang xuất khẩu sang nhiều thị trường như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...”, ông Trình cho biết.
Trong khi đó, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến cũng đang chạy đua để hoàn thiện chuỗi sản xuất hàng dệt may của mình. Nếu như 10 năm trước, DN chỉ đầu tư mạnh vào khâu may, thì đến thời điểm này, Việt Tiến đã sở hữu các nhà máy liên kết sản xuất, sợi, dệt vải…, giúp cung ứng được một phần nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, Việt Tiến là đơn vị hiếm trong Tập đoàn hội đủ các điều kiện để phát triển thành một tổ hợp sản xuất quy mô lớn.
Năm 2015 - 2016, DN này đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng cho các dự án mở rộng sản xuất lớn, trong đó có Dự án Cụm công nghiệp Gò Công và Dự án sản xuất vải cho làm hàng thể thao đã lên tới 300 tỷ đồng.
Ở quy mô ngấp nghé Việt Tiến, Phong Phú, có Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè, với doanh thu xuất khẩu năm 2015 đạt 550 triệu USD, cũng đang ấp ủ tham vọng không hề thua kém.
Hiện tại, Nhà Bè đang khẩn trương hoàn thiện Dự án Nhà máy May Nhà Bè - Hậu Giang, với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng, trên diện tích 6 ha, với 2 giai đoạn.
Theo đại diện May Nhà Bè, dự kiến cuối năm nay, đầu tư giai đoạn II sẽ hoàn thành, cung cấp các sản phẩm veston, quần âu, thời trang nữ và hàng thời trang các loại…, với doanh thu xuất khẩu 120 triệu USD/năm, sử dụng 6.000 lao động. Được biết, cuối năm 2015, giai đoạn I của Nhà máy đã đi vào hoạt động.
Dệt may đang có lợi thế về xuất khẩu, đặc biệt là những DN lớn, nếu như đầu tư chọn lọc và khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của mình. Các dự án đầu tư nêu trên sẽ góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may dự kiến vượt 31 tỷ USD trong năm 2016.
Thế Hoàng

Theo baodautu.vn