Doah nghiệp thuỷ sản áp dụng quy trình sản xuất khép kín từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu, đảm bảo các điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế



Hội đồng quản trị của VHC vừa đưa ra quyết định mua lại cổ phiếu quỹ. Theo đó, số lượng cổ phiếu được mua làm cổ phiếu quỹ của VHC tối đa là 1 triệu, với giá không quá 30.000 đồng/cổ phiếu. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT của VHC cho biết, mục đích mua cổ phiếu quỹ này nhằm bình ổn giá cổ phiếu và tăng giá trị cho cổ đông.
Trong quá khứ, VHC đã có kinh nghiệm ở chuyện tự mua đi bán lại cổ phiếu của chính mình.
Đó là thời điểm cuối năm 2010, đầu năm 2011, VHC từng mua vào gần 1,2 triệu cổ phiếu quỹ với tổng giá trị khoảng 37 tỷ đồng. Sau một thời gian dài “chùng chình”, đến đầu năm 2014, cổ phiếu VHC bất ngờ bước vào chu kỳ tăng giá nhanh như diều gặp gió. Cuối năm 2014, đại gia thủy sản này đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội vàng khi tung gần 1,2 triệu cổ phiếu quỹ ra bán với giá giao dịch bình quân 52.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng thu về gần 63 tỷ đồng. Như vậy, VHC kết thúc cuộc chơi với cổ phiếu quỹ khá hoàn hảo với khoản thặng dư lên tới 26 tỷ đồng. Số tiền này, về nguyên tắc, không được hạch toán vào lợi nhuận, nhưng dù gọi là gì thì đó vẫn là “tiền tươi thóc thật” và các cổ đông VHC rất hả hê với khoản tiền thặng dư không hề nhỏ này.
Tiếp tục theo dõi cổ phiếu của VHC thời gian gần đây có thể thấy, thị giá cổ phiếu VHC đã bất ngờ rơi bất thường từ cuối năm 2015. Theo đó, trong giai đoạn tháng 12/2015, cổ phiếu VHC ở mặt bằng khoảng 35.000 đồng/cổ phiếu, nhưng đến 20/1/2016, xuống còn 23.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau khi thông tin Vĩnh Hoàn sẵn sàng tung tiền mua 1 triệu cổ phiếu quỹ, thị giá của cổ phiếu này đã bật tăng trở lại và hiện ở mặt bằng 27.000 đồng/cổ phiếu.
Đến thời điểm này, có thể diễn ra 2 kịch bản. Đó là nếu cổ phiếu VHC vẫn tiếp tục đà tăng điểm mang tính tâm lý vượt lên trên 30.000 đồng/cổ phiếu thì đại gia thủy sản hoàn toàn sẽ không thực hiện việc mua cổ phiếu quỹ nữa. Đây cũng là kịch bản tốt cho VHC, bởi công ty không cần bỏ ra đồng nào, nhưng vẫn có tác dụng cứu giá cổ phiếu đang trên đà lao dốc một cách rất ngoạn mục. Tuy nhiên, nếu cổ phiếu VHC dừng ở mức hiện nay, VHC hoàn toàn có thể mua được cổ phiếu quỹ với giá như kỳ vọng và chờ đợi lặp lại kỳ tích đã có trong thương vụ mua bán cổ phiếu quỹ lần trước.
Trên thực tế, cổ phiếu VHC vẫn là địa chỉ được giới đầu tư quan tâm do đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cơ bản và xuất khẩu thủy sản, ngành hàng đang được kỳ vọng có thể hưởng lợi từ các hiệp định thương mại thế hệ mới vừa ký kết.
Là công ty chế biến và xuất khẩu cá tra, basa tại đồng bằng sông Cửu Long, VHC đang áp dụng quy trình sản xuất khép kín từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu, nhằm đảm bảo các điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện VHC có nhà máy chế biến thủy sản rộng 40.000 m2 trên Quốc lộ 30, cạnh sông Tiền, với năng lực 250 tấn cá nguyên liệu/ngày.
Động thái của VHC thời gian qua cũng cho thấy, công ty này đang tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là xuất khẩu thủy sản, thoái vốn khỏi một số lĩnh vực không phải là thế mạnh chính. Cụ thể, trong năm 2014, VHC đã bán Nhà máy thức ăn chăn nuôi Vĩnh Hoàn 1 cho đối tác Pilmico International, thu về 414 tỷ đồng tiền mặt. Năm 2015, công ty cũng đã bán nhà máy gạo theo dạng trao đổi tài sản ngang giá với một nhà máy sản xuất cá tra do Nhà nước nắm giữ.
Chí Tín

Theo baodautu.vn