Trong khoa học quản trị, mỗi doanh nghiệp, tổ chức sẽ trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau và tựu trung lại có 2 cách mà họ có thể lựa chọn để phát triển là "Evolution" - Tiến hóa, tốt dần lên từng ngày và Revolution - làm cách mạng.






Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel



Ông Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra những bài học mà Viettel có thể học hỏi từ các tổ chức khác khi họ thay đổi để phát triển: "Có 2 dạng thay đổi. Dạng thứ nhất là thay đổi toàn diện, các tổ chức lớn chỉ thực hiện khi họ đứng bên bờ vực sống - chết. Thường những tập đoàn lớn khi đứng bên bờ suy vong mới thực hiện đại cách mạng tái sinh, sinh ra những triết lý hoàn toàn mới. Nhưng trong 100 doanh nghiệp thì có thể chỉ có 10 doanh nghiệp thành công".
Ông Hùng lấy Samsung làm ví dụ. Ông Lee Byung-chul gây dựng công ty, đến khi người con Lee Kun Hee lên thay cha lãnh đạo Samsung, thấy sản phẩm không có năng lực cạnh tranh quốc tế nên đã thay đổi toàn diện triết lý của tổ chức. Người cha bảo, khi đi qua cầu thì phải mang theo cái búa, gõ từng viên gạch xem có chắc chắn không mới đi qua. Người con thì bảo, thậm chí không cần có cầu cũng đi, nếu có ngã thì cũng từ đó mà đứng lên. Điều đó đã làm nên một Samsung hùng mạnh như hiện tại.
Hay như IBM, từng là công ty đầu tiên phát triển sản phẩm router, nhưng rồi Cisco mới là công ty thống lĩnh thị trường sản phẩm này. IBM đã từng tiên phong phát triển các công nghệ cải thiện hoạt động của web nhưng Akamai mới là công ty có tầm nhìn để thành công trên thị trường với các sản phẩm tương tự.
Thế nhưng, đến một ngày, những Dell, Cisco, EMC...những tên tuổi nổi như cồn trong làng công nghệ đã suy yếu đi trước sự hiện diện của ngày một nhiều những công nghệ mới như điện toán đám mây, đe dọa sự tồn tại của những sản phẩm cốt lõi mà họ cung cấp.Có thời điểm, các ông lớn này được ví như những "zombie" - những cái xác không hồn. Và họ đã tiến hành những cuộc cách mạng - Revolution thực sự để có thể tồn tại cho đến ngày hôm nay.
"Họ là những người may mắn khi làm cách mạng thành công, và số đó không nhiều. Lịch sử gọi tên Samsung, IBM nhưng không gọi tên rất nhiều các doanh nghiệp khác như Nokia, Siemens, Motorola, Kodak...Bởi vậy, không có gì chắc chắn rằng Viettel, dù đang có rất nhiều nguồn lực, cũng sẽ may mắn như họ nếu như còn tồn tại những trì trệ, quan liêu và dẫn tới bắt buộc một ngày nào đó chúng ta phải làm một cuộc cách mạng", ông Hùng nói với nhân viên của mình.
Theo ông Hùng, Viettel sẽ không để cho tới lúc phải "làm cách mạng". Để tránh điều đó, Viettel chọn con đường "làm tốt lên từng ngày". Bởi, cách mạng thường đau đớn vì phải hy sinh. Nhiều tổ chức đã phải cắt 50% nhân lực, giảm lương lớn, phải trả lương bằng thẻ cào để nhân viên đi bán ngoài đường."
"Nếu chúng ta có những cuộc cải cách nhỏ hàng ngày, từng ngày thì không nhất thiết phải làm cách mạng", ông Hùng nói.
Trong cuộc nói chuyện này, ông Hùng cũng đã chia sẻ quan điểm, cái nhìn để truyền cảm hứng, thúc giục mỗi nhân viên mình "làm tốt dần lên mỗi ngày" để Viettel không phải "làm cách mạng".
Hữu Tuấn

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: