Ông Lê Đức Khánh



Nhận định chung về TTCK 2016, nhiều CTCK cho rằng, năm nay sẽ có nhiều thách thức và thị trường tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Ý kiến của ông như thế nào?
Năm 2016 dự báo sẽ có nhiều thách thức đối với TTCK nói chung, khối CTCK nói riêng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang đối mặt với những thử thách lớn, ít nhất là trong nửa đầu năm.
Khó khăn đầu tiên đến từ thanh khoản của toàn thị trường khi khối NĐT nước ngoài vẫn đang có động thái bán ròng trên các TTCK mới nổi, cũng như các thị trường cận biên và thị trường Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Việc khối ngoại bán ròng xuất phát từ quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,25%/năm giữa tháng 12/2015 và dự kiến nâng tiếp 0,25%/năm trong khoảng nửa đầu năm 2016. Động thái nâng lãi suất của Fed đã tác động tiêu cực đến dòng tiền đầu cơ tham gia vào các thị trường mới nổi và cận biên kể từ tháng 11/2015.
Trong khi đó, Trung Quốc phá giá đồng nhân nhân tệ, khiến nhiều nước phải điều chỉnh tỷ giá và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh chính sách tiền tệ. Trong năm 2015, NHNH đã điều chỉnh biên độ tỷ giá lên 5% và khả năng sẽ điều chỉnh trong biên độ 4 - 5% trong năm 2016. Qua quan sát của chúng tôi, những năm có tỷ giá biến động lớn như năm 2010, 2011, thì đó là những năm không thuận lợi cho TTCK.
Bên cạnh đó, khi quá trình cổ phần hóa và tư nhân hóa các DNNN được thúc đẩy mạnh, nhất là năm 2016 này, với nguồn cung cổ phiếu lớn được tung ra thị trường, thì “tác dụng phụ” là TTCK có thể bị ảnh hưởng do lượng cầu khó có thể hấp thụ trong ngắn hạn.
Xác định được những cơ hội cũng như là thách thức trong năm 2016, MSI cố gắng tập trung vào những điểm mạnh của mình, tập trung vào những phân khúc, nhóm khách hàng tiềm năng, tìm kiếm cơ hội nhóm khách hàng tổ chức, mở rộng cơ hội đối với các cổ phiếu trên UPCoM…
Còn chưa đầy 2 tuần nữa là TTCK bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán khá dài. Liệu thị trường có bị ảnh hưởng bởi tâm lý “nghỉ ngơi” không, theo ông?
Phiên bắt đáy có thanh khoản tăng vọt cuối tuần trước, khi VN-Index sụt giảm và chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh 510 - 515 điểm, là một dấu hiệu khá mạnh cho thấy TTCK có thể sẽ xuất hiện “sóng hồi”.
Con sóng này nhiều khả năng chỉ thích hợp với các hoạt động giao dịch T+, giao dịch lướt sóng. Tuy nhiên, thanh khoản gia tăng quanh vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index cho thấy, các NĐT bắt đầu có tâm lý tích cực hơn.
Tôi cho rằng, thời điểm này có thể tìm thấy những cơ hội ở một số cổ phiếu giá trị, trong bối cảnh mặt bằng giá nói chung tương đối hấp dẫn.
Trước những biến động khó lường của thị trường, có ý kiến cho rằng, NĐT nên tận dụng nhịp điều chỉnh tại các mốc cản kỹ thuật để tiến hành mua vào các cổ phiếu cơ bản nhằm đón đầu xu thế tăng sau kỳ nghỉ Tết? Quan điểm của ông như thế nào?
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật thì mốc 515 điểm (+/-5 điểm) là ngưỡng hỗ trợ mạnh của VN-Index và đây chính là thời điểm để tích lũy cổ phiếu giá trị, với thời gian đầu tư ít nhất là 3 - 6 tháng. Hơn nữa, thị trường thời điểm sau Tết thường thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu. Do đó, việc mua vào cổ phiếu sẽ là chiến lược hợp lý trong giai đoạn hiện nay.
Xét theo ngành nghề, theo ông, những doanh nghiệp ngành nào sẽ có triển vọng trong năm nay?
Việt Nam đang tham gia ngày càng mạnh mẽ vào quá trình hội nhập quốc tế, mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. NĐT nên quan tâm đến các cổ phiếu thuộc nhóm ngành bảo hiểm, cảng biển, dệt may, vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng…
Hải Vân (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn