Chính phủ đánh giá, những năm vừa qua, lĩnh vực khoa học - công nghệ (KHCN), nghiên cứu và ứng dụng công nghệ ở một số lĩnh vực đã có chuyển biến khá tích cực. Ông bình luận gì về đánh giá này?
Đúng là chúng ta đã có những chuyển biến nhất định trong việc phát triển và ứng dụng KHCN, nhờ đó, năng suất lao động đã được cải thiện, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam cao nhất trong khu vực ASEAN.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2006 - 2010, năng suất lao động của nước ta tăng 3,4%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 tăng 4,2%/năm. Năng suất lao động năm 2015 tăng 23,6% so với năm 2010, góp phần thu hẹp dần khoảng cách so với năng suất lao động của các nước ASEAN. Cụ thể, nếu như năm 1994, năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia lần lượt gấp Việt Nam 29,2 lần; 10,6 lần; 4,6 lần; 3,1 lần và 2,9 lần, thì đến năm 2013 khoảng cách này được thu hẹp còn gấp tương ứng 18 lần; 6,6 lần; 2,7 lần; 1,8 lần và 1,8 lần.






PGS-TS Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội




Nhưng dường như ông vẫn băn khoăn về sự phát triển và ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, khiến năng suất lao động của nước ta vẫn còn rất thấp?
Trong số 9 chỉ tiêu không đạt được kế hoạch 2011 – 2015 thì có mấy chỉ tiêu rất đáng quan tâm, đó là tốc độ tăng năng suất lao động (tăng 23,6% - thấp hơn chỉ tiêu là tăng 29-32%) và đổi mới công nghệ. Điều này chứng tỏ, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi vòng tròn nghịch lý của các nước đang phát triển ở trình độ thấp: đầu tư cho KHCN thấp vì tỷ lệ tích lũy nội địa thấp - tích lũy nội địa thấp vì thu nhập thấp - thu nhập thấp vì năng suất lao động thấp - năng suất lao động thấp vì trình độ công nghệ thấp - trình độ công nghệ thấp vì đầu tư cho KHCN thấp…
Trình độ công nghệ của chúng ta hiện nay được đánh giá là còn thấp so với các nước có mức thu nhập trung bình thấp.
Theo Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, các chỉ tiêu liên quan đến sẵn sàng ứng dụng công nghệ là tính sẵn có của công nghệ mới, khả năng tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp, chất lượng các tổ chức nghiên cứu KHCN, chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp, hợp tác phát triển công nghệ giữa doanh nghiệp và các trường đại học của chúng ta đều bị tụt hạng trong 5 năm vừa qua.
Để thoát khỏi “vòng tròn nghịch lý” đó, cần có giải pháp gì?
Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ ra 4 nguy cơ, trong đó có nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, Đảng đặt mục tiêu yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng 25 - 30%, năng suất lao động tăng 4 - 5%/năm.
Để đạt được mục tiêu này, Báo cáo Chính trị yêu cầu phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy R&D, nhập khẩu công nghệ mới. Đảng cũng đặt mục tiêu phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, cơ khí, điện tử, hoá chất, công nghiệp xây dựng, xây lắp, công nghiệp quốc phòng, an ninh; chú trọng phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh; công nghiệp hỗ trợ…
Tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường KHCN, thực hiện cơ chế thị trường và có chính sách hỗ trợ để khuyến khích tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đầu tư cho R&D, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, kinh doanh.
Tôi cho rằng, phải thực hiện triệt để các nhiệm vụ kể trên thì mới mong tránh được nguy cơ tụt hậu về kinh tế, mới sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Dưới góc độ là nhà khoa học, theo ông, cần phải phát triển, ứng dụng KHCN vào sản xuất - kinh doanh thế nào để tránh được nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế?
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều chiến lược phát triển cấp quốc gia, như chiến lược kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, các chiến lược phát triển vùng và một loạt các chương trình, đề án phát triển ngành, lĩnh vực. Chúng ta cũng có chiến lược phát triển KHCN và 52 chương trình KHCN. Nhưng sự gắn kết của các chương trình, chiến lược này rất lỏng lẻo. Một khi KHCN chưa nằm trong tâm điểm cốt lõi của các chiến lược và chương trình phát triển thì rất khó có thể biến KHCN thành động lực phát triển. Vì vậy, trước hết, phải gắn kết chiến lược, chương trình KHCN với các chiến lược và chương trình phát triển quốc gia.
Bên cạnh đó, chúng ta phải đặt trọng tâm phát triển KHCN vào doanh nghiệp, đây là hướng tạo ra đột phá của phát triển KHCN và thực sự gắn KHCN với thực tiễn. Để làm được việc này, cần phải khuyến khích và thúc đẩy thành lập các trung tâm R&D trong doanh nghiệp; tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu và các trường đại học; tăng cường khả năng tiếp cận vốn từ ngân sách nhà nước cũng như khuyến khích việc thành lập quỹ KHCN trong các doanh nghiệp.
Mạnh Bôn

Theo baodautu.vn