Có vẻ như các cổ phiếu khai khoáng “miễn dịch” với sóng gió trên thị trường chứng khoán




Đó là tổng quan trên toàn thị trường thời điểm hiện tại, nhưng nếu nhìn trên từng góc độ riêng lẻ, thì thực chất, bức tranh thị trường không hoàn toàn đen tối. Nhà đầu tư vẫn có thể sàng lọc để tìm ra được những “ốc đảo” có nguồn nước đủ để trú ẩn qua cơn đại hạn đang diễn ra. Một số cổ phiếu vẫn “hiên ngang” đi ngược thị trường, điều này đồng nghĩa với việc, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận không phải đã khép lại.
KSB (của Công ty cổ phần Khoáng sản - Xây dựng Bình Dương) là một trong số ít những cổ phiếu có sức tăng ổn định trong thời gian dài, gần như không bị chao đảo bởi các đợt sóng lên xuống của thị trường. Trong vòng 2 năm trở lại đây, cổ phiếu KSB gần như chỉ đi lên, đầu năm 2014 thị giá cổ phiếu này ở mức 13.000 đồng, thì nay đã lên đến trên 33.000 đồng. Rõ ràng, với sự ổn định của doanh nghiệp ngành khoáng sản này, nhà đầu tư có thể tìm đến đây như một nơi trú ẩn an toàn trong cơn bão táp của thị trường.
Khoáng sản Xây dựng Bình Dương hiện có 3 mỏ đá Tân Đông Hiệp, Phước Vĩnh, Tân Mỹ B hoạt động khai thác cao lanh, sét, sản xuất gạch ngói có trữ lượng khai thác tối thiểu 5 năm. Tại khu vực Đông Nam Bộ, công ty đứng vị trí trung bình trong ngành khai thác khoáng sản khi so sánh với các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Vật liệu xây dựng Biên Hòa, Tổng công ty Vật liệu xây dựng Bình Dương (M&C).
Một kịch bản tương tự như KSB là cổ phiếu LBM của công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Lâm Đồng, có thể coi là một địa chỉ vàng đầu tư. Trong suốt năm qua, đồ thị của LBM hầu như là một đường đi lên, khi không hề chịu sự bầm dập của những con sóng của thị trường. Trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu LBM đã tăng từ mốc 11.000 đồng lên 24.000 đồng hiện nay.
Hiện nay, Vật liệu xây dựng Lâm Đồng có 6 xí nghiệp trực thuộc và 4 phòng nghiệp vụ. Các xí nghiệp này được phân cấp, hạch toán nội bộ được sử dụng con dấu riêng để giao dịch và mở tài khoản tại ngân hàng. Ngoài ra, công ty này đang sở hữu 58% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Hiệp Thành (chuyên sản xuất gạch ngói tuynen) và 35% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Hiệp Phú (chuyên sản xuất bentonite).
Có vẻ như các doanh nghiệp khai khoáng thường là những công ty “miễn dịch” với sóng gió thị trường. Một trong những ví dụ nữa để minh chứng cho nhận định trên là sự thể hiện của cổ phiếu NNC (Công ty cổ phần Đá Núi Nhỏ) đã. Đồ thị giá cổ phiếu NNC đi lên rất ổn định trong 2 năm qua và nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu NNC trong khoảng thời gian này đã có thể tăng tài sản lên gấp gần 3 lần. Cổ phiếu NNC từ đầu 2014 đến nay đã đi lên từ mốc 25.000 đồng lên mức 56.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.
So sánh với các đơn vị cùng ngành nghề trên địa bàn Đông Nam Bộ, Đá Núi Nhỏ hiện có vị trí cao trong lĩnh vực cung cấp đá và các sản phẩm đá, công ty này có sự hiện diện đều khắp các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ và chiếm khoảng 20% thị phần trong địa bàn.
Chí Tín

Theo baodautu.vn