Môi trường kinh doanh lành mạnh không chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn.



Tâm huyết và trí tuệ của các ý kiến tham luận tại Đại hội lần thứ XII của Đảng đang diễn ra cho thấy, các điều kiện cần và đủ cho tinh thần quốc gia khởi nghiệp đang dần hội tụ. Đó phải là nền tảng thể chế kinh tế thị trường hiện đại, thân thiện và an toàn cho mọi ý tưởng kinh doanh của người dân.
Sau Hiến pháp năm 2013, hàng loạt bộ luật đã được Quốc hội ban hành, sửa đổi nhằm hiện thực hóa tinh thần bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân. Chính phủ cũng ban hành các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Những rào cản hành chính, tệ quan liêu và hành vi ứng xử thiếu trách nhiệm của giới công chức bị công phá trực tiếp, nhằm đưa môi trường kinh doanh Việt Nam vào nhóm 4 nước đứng đầu trong ASEAN.
“Hệ sinh thái mới” cho kinh doanh buộc cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam bước vào giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ. Trong vài năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp rút chân ra khỏi thị trường ngang ngửa với số doanh nghiệp thành lập mới. Những ngành nghề kinh doanh mới xuất hiện liên tục…
Thực tế đá có những bước tiến dài, song cải cách thể chế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Các cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp càng lớn, kinh doanh càng thành công, thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao, doanh nghiệp Việt Nam khó lớn.
Môi trường kinh doanh lành mạnh không chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn. Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu. Sự chậm trễ trong xét xử, hiện tượng oan sai, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm… đang phát đi những tín hiệu không tốt, có thể ảnh hưởng xấu về môi trường kinh doanh lành mạnh.
Những ý tưởng kinh doanh sẽ không thể trở thành đầu vào của các doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của người dân nếu thiếu đi sự an tâm về một môi trường kinh doanh an toàn. Hơn thế, đây lại là “hệ sinh thái” thúc đẩy cách thức làm ăn, kinh doanh chụp giựt, tư tưởng xin - cho…
Trong lúc này, việc xây dựng thể chế cần phải xác định rõ mối quan hệ nhân quả giữa môi trường kinh doanh và mục tiêu kinh doanh. Nếu các công chức và cơ quan quản lý vẫn lấn cấn trước sự lựa chọn giữa việc trao thêm quyền cho người dân hay tăng thêm quyền quản lý cho mình, thì doanh nghiệp, doanh nhân sẽ chần chừ giữa kinh doanh chụp giật hay chiến lược phát triển bền vững vì một thương hiệu Việt Nam uy tín.
Thực tiễn đã chứng minh, những bước phát triển vượt bậc của Việt Nam trên chặng đường 3 thập kỷ qua đều gắn với những đổi mới có tính chất quyết định về thể chế, mà bản chất là mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền tự do của người dân.
Thực tiễn cũng đã chứng minh, việc đặt niềm tin ở nơi dân, cởi trói, trao quyền cho người dân và doanh nghiệp, thay vì hạn chế và bao cấp, sẽ tạo khả năng huy động được những nguồn lực to lớn cho phát triển.
Phải thay đổi tư duy “năng lực quản lý đến đâu thì mở đến đó” bằng tư duy tiến bộ “năng lực quản lý của Nhà nước phải được xây dựng để phù hợp và thúc đẩy sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân”. Nhà nước phải chuyển từ Nhà nước quản trị sang Nhà nước kiến tạo.
Chỉ khi nào chúng ta phát động được phong trào toàn dân làm kinh tế, chỉ khi nào sự nghiệp làm kinh tế là của toàn dân, chỉ khi nào đất nước này có được hàng triệu doanh nghiệp và hàng chục triệu doanh nhân hoạt động hiệu quả thì Việt Nam mới thực hiện được mục tiêu vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở nên giàu có.
Bảo Duy

Theo baodautu.vn