Giá dầu giảm, áp lực tỷ giá, khối ngoại bán ròng, TTCK thế giới diễn biến xấu… đã tác động mạnh đến tâm lý NĐT



Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển Môi giới Tư vấn, CTCK VNDirect cho rằng, áp lực giải chấp là nguyên nhân đẩy lực bán lên cao trong những phiên giao dịch gần đây và các đợt giảm điểm của thị trường trong các năm vừa qua đều có sự gia tăng áp lực giảm khi có hiện tượng giải chấp.
Tình hình vay nợ giao dịch ký quỹ (margin) tại các CTCK hiện đã giảm khoảng 20% so với mức đỉnh tháng 3/2015, nhưng dư nợ margin vẫn còn khá cao. Nếu thị trường có thêm vài phiên giảm mạnh, lượng bán giải chấp sẽ tăng.
Tuy nhiên, mặt tích cực là khi dư nợ margin hạ xuống nhanh, dòng tiền trên thị trường sẽ cân bằng hơn, bởi những NĐT có tài chính lành mạnh nhiều khả năng sẽ mua vào cổ phiếu nhằm “bắt đáy”. Thực tế, thị trường thường tạo đáy ngắn hạn sau các phiên chuyển giao mạnh mẽ này.
“Lượng margin trong đợt suy giảm của TTCK lần này giảm khá chậm do khối ngoại liên tục bán ròng. Hơn nữa, dòng tiền thật trên thị trường bị “vắt” tương đối sau các đợt tăng vốn của nhiều doanh nghiệp. Do đó, để dư nợ margin giảm nhanh, cần thiết phải có hoạt động mua ròng trở lại của các quỹ đầu tư, tự doanh của các CTCK, hoặc khối ngoại trong các phiên giảm điểm. Khi margin cân bằng thì cơ hội tạo đáy và hồi phục cho toàn thị trường sẽ xuất hiện”, ông Du nói.
Một số ý kiến khác cho biết, hiện tượng giải chấp thường diễn ra trong điều kiện thị trường hoặc cổ phiếu đảo chiều sau đợt tăng nóng trước đó và NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh. Thời gian qua, áp lực giải chấp không lớn, nhưng do thị trường suy yếu kéo dài nên nhiều NĐT chán nản khi thấy cổ phiếu giảm giá, trong khi lo ngại trước bối cảnh thị trường đang chịu nhiều tác động từ bên ngoài, khiến họ có động thái bán ra.
Từ đầu tháng 11/2015 đến nay, VN-Index giảm khoảng 13%, không đáng kể so với mức giảm của các thị trường lớn trong khu vực và mức thiệt hại của các NĐT chưa đến mức báo động. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang thiếu thông tin hỗ trợ thì những thông tin tiêu cực về giá dầu, áp lực tỷ giá, khối ngoại liên tục bán ròng, cùng với diễn biến xấu của TTTK thế giới đã tác động mạnh đến tâm lý NĐT trong nước.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Sacombank (SBS) nhận định, nếu thị trường giảm thêm sẽ tạo một bằng giá hấp dẫn ở nhiều cổ phiếu và lực cầu mới xuất hiện nhiều hơn.

Theo ông Khanh, nhiều NĐT đang chịu thiệt hại khi thị trường có xu hướng giảm giá kéo dài, dù mức giảm không nhiều. Bởi lẽ, trong xu hướng giảm đó, có một số đợt sóng hồi, những đợt sóng hồi ngắn ngủi đã cuốn NĐT ngắn hạn quay vòng cổ phiếu liên tục, khiến sự mất mát càng nhiều hơn. Khi niềm tin và “túi tiền” cạn dần thì sẽ có nhiều NĐT sẵn sàng bán ra và tạm thời thoát khỏi thị trường.
Các trạng thái bán ở phiên cuối tuần qua mạnh mẽ và dứt khoát hơn một phần đến từ hoạt động bán ra của khối ngoại trên diện rộng ở nhiều cổ phiếu. Việc khối ngoại bất ngờ quay lại bán ròng có thể là nguyên nhân chính tạo sức ép kéo NĐT trong nước bán theo để hạn chế thiệt hại, hơn là do áp lực giải chấp.

Theo tìm hiểu của ĐTCK tại một số CTCK có hoạt động margin sôi động như HSC, ACBS… đều cho thấy, tỷ lệ margin ở các CTCK này không ở mức quá cao như các đợt trước do NĐT đã cẩn trọng hơn.
Hoạt động margin chủ yếu tập trung vào các mã cổ phiếu lớn, các mã này giảm giá ít nên mức độ ảnh hưởng đến toàn thị trường không nhiều. Hiện tại, dư nợ margin tại CTCK SSI là hơn 2.000 tỷ đồng, tại các CTCK lớn khác như HSC, VCSC, VNDiect… khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng.
Còn ở các CTCK vừa và nhỏ, mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính của NĐT rất thấp. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại, với phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua (VN-Index giảm 1,8%), nếu thị trường tiếp tục giảm điểm mạnh, thì hoạt động giải chấp diễn ra là điều khó tránh khỏi.
Hoàng Anh (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn