Cả năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.366 tỷ đồng trái phiếu và tín phiếu trên thị trường thứ cấp



Trong năm qua, giao dịch outright tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường thứ cấp, chiếm 67% tổng khối lượng giao dịch (623.523 tỷ đồng). Trong khi đó, giao dịch reverse repo chỉ chiếm 33%, đóng góp 306.971 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư trong nước không mấy tích cực mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp trong năm qua vì nhiều lý do.
Thứ nhất, tín dụng tăng mạnh cho thấy các ngân hàng đang dịch chuyển nguồn vốn từ đầu tư trái phiếu sang các hoạt động tín dụng. Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam năm 2015 đạt 17,17% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.
Thứ hai, các nhà đầu tư trái phiếu thường quan tâm hơn tới trái phiếu ngắn hạn với thanh khoản cao và rủi ro thấp, nhưng trái phiếu này đã không được phép chào bán theo quyết định của Quốc hội. Nguồn cung trái phiếu dài hạn cao, nhưng cầu thì lại rất thấp, khiến thanh khoản thị trường trái phiếu thứ cấp thấp. Tháng 12/2015, trái phiếu ngắn hạn được chào thầu trở lại trên thị trường sơ cấp với nguồn cung lớn. Tuy nhiên, các thành viên của thị trường sơ cấp đã không bán lại trái phiếu trên thị trường thứ cấp.
Xét về kỳ hạn các giao dịch thông thường cho thấy, các nhà đầu tư chỉ tập trung vào trái phiếu ngắn hạn với kỳ hạn 5 năm trở xuống. Trong năm qua, giao dịch trái phiếu từ 1 đến 5 năm chiếm 75,9% tổng giao dịch kỳ hạn, trong đó, trái phiếu từ 1 đến 3 năm chiếm tỷ trọng cao nhất. Trái phiếu trên 5 năm chỉ chiếm 24,1% tổng giá trị giao dịch.
Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trái phiếu Việt Nam trên thị trường thứ cấp trong năm qua, đặc biệt là vào tháng 8 (5.506 tỷ đồng) và trong quý cuối năm 2015 (4.444 tỷ đồng), chủ yếu là vì lo ngại tiền đồng mất giá do việc mất giá của nhân dân tệ và tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nhà đầu tư đã bán tháo tài sản của các quốc gia mới nổi để trở lại với sự an toàn của USD và tài sản của Mỹ với mức lợi suất hấp dẫn sau khi lãi suất cơ bản đã được nâng lên.
Tính chung cả năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.366 tỷ đồng trái phiếu và tín phiếu trên thị trường thứ cấp thông qua các giao dịch outright và repo.
Lợi suất trái phiếu trong năm qua tăng khá mạnh tại hầu hết các kỳ hạn so với năm 2014, ngoại trừ trái phiếu dài hạn. Vì các nhà đầu tư chỉ tập trung giao dịch vào trái phiếu ngắn hạn trong khi nguồn cung rất hạn chế, nên giá của các trái phiếu ngắn hạn tăng lên. Do vậy, lợi suất trái phiếu tăng khá cao trong quý II và III. Lợi suất cao tiếp tục được duy trì cho tới cuối năm, khi trái phiếu ngắn hạn dưới 5 năm đã được phát hành trở lại. Tuy nhiên, không có quá nhiều trái phiếu ngắn hạn được giữ lại trên thị trường, nên thanh khoản không được cải thiện, lợi suất trái phiếu tiếp tục duy trì ở mức cao.
Trong năm 2016, lợi suất trái phiếu sẽ tiếp tục tăng vì chịu áp lực phát hành trái phiếu để hỗ trợ ngân sách nhà nước. Có nhiều khả năng sẽ có một lượng lớn trái phiếu được chào thầu trong năm 2016, trong đó, 30% là trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm. Mặc dù nguồn cung lớn, nhưng cầu trái phiếu có vẻ khá thấp vì tín dụng và thiếu hụt nguồn vốn. Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 18 - 20% sau kỳ tăng trưởng ấn tượng năm 2015. Nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục các hoạt động tái cấu trúc, giải quyết nợ xấu, bán nợ xấu cho VAMC và tăng trích lập dự phòng nợ xấu. Bên cạnh đó, những lo ngại về tiền đồng tiếp tục mất giá trong năm 2016 cũng sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu trái phiếu tiền đồng của cả các nhà đầu tư trong nước và thế giới. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thiết lập cơ chế mới để điều hành tỷ giá, nhưng vẫn còn những nghi ngại cho rằng, Fed sẽ tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất cơ bản trong năm 2016, khiến USD tăng giá hơn.
Ngọc Anh (Công ty Chứng khoán VP Bank (VPBS))

Theo baodautu.vn