Cầu Tân Phong trên Quốc lộ 21B (Lý trình: Km 101+506,84) bắc qua sông Đào, tỉnh Nam Định được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1523/QĐ-BGTVT ngày 04/5/2015. Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 6, chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng là UBND tỉnh Nam Định. Công trình có tổng mức đầu tư 463,141 tỷ đồng từ vốn ODA của Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và một phần vốn ngân sách.






Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại Lễ Khánh thành cầu Tân Phong.



Trong đó, Gói thầu số B3-29: Xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía Bắc cầu Tân Phong, nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần Phát triển & Thương mại Thuận An và Công ty cổ phần cầu 11 Thăng Long; Nhà thầu phụ: Công ty cổ phần Trung Thành Việt Nam. Gói thầu số B3-30: Xây dựng phần cầu chính cầu Tân Phong (phần đúc hẫng), nhà thầu thi công là Liên danh Tổng công ty Thăng Long - Công ty Cổ phần Cầu 14. Gói thầu số B3-31: Xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía Nam cầu Tân Phong, nhà thầu thi công là Liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP và Công ty Cổ phần TASCO.






Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng các lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Nam Định, các đại diện phía Nhật Bản cắt băng khánh thành thông xe cầu Tân Phong (Nam Định).



Công trình cầu Tân Phong được khởi công ngày 14/6/2015. Sau hơn 6 tháng, cầu Tân Phong đã hoàn thành xây dựng vào ngày 31/12/2015 và chính thức đưa vào khai thác sử dụng vào ngày 09/01/2016.
Dự án có thiết kế phần cầu với tổng chiều dài là 683,9m. Cầu thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Chiều rộng toàn cầu 12m. Tiêu chuẩn thiết kế 22TCN-272-05; Phần đường có tổng chiều dài là 1.464,28. Đoạn từ đầu tuyến đến 50m sau mố A14 được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 60 km/h, bề rộng nền 12,0m, bề rộng mặt 7,0m. Đoạn từ 50m sau mố A14 đến giao với đê Hữu Hồng được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, vận tốc thiết kế 60 km/h, bề rộng nền 9,0m, mặt đường 7,0m.






.




Việc hoàn thành và đưa vào khai thác cầu Tân Phong sẽ nối liền đường vành đai thành phố Nam Định, nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường vành đai, góp phần cải thiện mạng lưới giao thông đường bộ, tạo tiền đề và là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Nam Định nói riêng và các tỉnh khu vực Đồng bằng Bắc bộ nói chung. Góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông di chuyển theo hướng từ các huyện Nam Trực, Cổ Lễ, Xuân Trường, Hải Hậu đi Thái Bình, Hải Phòng và theo chiều ngược lại sẽ rút ngắn được 10 km so với hiện nay. Đồng thời, giảm tải lưu lượng giao thông trên cầu Đò Quan và tăng cường phát huy hiệu quả khai thác tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 21 và hệ thống giao thông liên vùng.
Mạnh Tùng

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: