Cổ phiếu CTG của VietinBank đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/1 tại mức 17.700 đồng/cổ phiếu




Hiện tại, quy mô vốn điều lệ của VietinBank đạt hơn 37.000 tỷ đồng, là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất trong số các công ty niêm yết. Tuy nhiên, kỳ vọng tăng vốn của ngân hàng này còn rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, để đạt được mục tiêu đưa VietinBank thành ngân hàng ngang tầm quốc tế và khu vực, thì vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ phải đạt tối thiểu 3,5 tỷ USD (tức là hơn 70.000 tỷ đồng). Lộ trình đến năm 2017, VietinBank sẽ đưa mức vốn điều lệ lên bằng mức này. Chưa dừng ở con số đó, đại gia ngân hàng này sẽ còn tiếp tục nhắm tới mốc vốn 5 tỷ USD.
Diễn biến giá cổ phiếu CTG của VietinBank thời gian qua cho thấy những đợt sóng khá chênh vênh. Thời kỳ CTG đạt đỉnh cao nhất trong năm 2015 là giai đoạn khoảng cuối tháng 7/2015, với mặt bằng giá khoảng 22.000 - 23.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ phiếu này bị trượt dốc khá mạnh vào tháng 8/2015, trước khi phục hồi trở lại vào tháng 10/2015. Hiện tại, thị giá giao dịch của CTG dập dình quanh mức 17.000 - 18.000 đồng/cổ phiếu và chưa có tín hiệu bứt phá rõ ràng.
Trong cơ cấu vốn của VietinBank hiện tại, cổ đông Nhà nước đang nắm giữ tới 65,99% cổ phiếu CTG đang lưu hành. 2 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ (BTMU) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã nắm giữ 27,7% cổ phiếu CTG. Với mức trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngân hàng chỉ là 30%, cổ phiếu CTG đang trong tình trạng bị chật “room” và không còn cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài mua thêm cổ phiếu ngân hàng này.
Với những thông tin mới hé lộ, giới đầu tư đang kỳ vọng, cổ phiếu CTG có thể có một nhịp sóng mới vào cuối quý I/2016, khi ngân hàng này hoàn tất việc nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Việt Nam (PGBank). Theo đại diện VietinBank, vì thủ tục hành chính, nên quá trình hoàn tất sáp nhập đã không thể thực hiện trong năm 2015. “Khi đó, cơ hội phát triển sẽ tốt hơn rất nhiều, giao dịch được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị thặng dư cho VietinBank và các cổ đông”, ông Thắng hé lộ.
Nhìn lại hoạt động kinh doanh của đại gia VietinBank và những kế hoạch 2016, có thể thấy ngân hàng này đang đi vào giai đoạn tăng tốc. Theo số liệu tài chính hợp nhất chưa kiểm toán, đến hết năm 2015, tổng tài sản của VietinBank đạt 779.000 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2014 và đạt 104% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank năm 2015 là 7.360 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch. Tỷ suất sinh lời ROE và ROA lần lượt là 10,2% và 1,0%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng là 0,85%.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng đạt số dư 674.000 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2014 và đạt 109,9% kế hoạch. Trong đó, cho vay nền kinh tế đạt 537.000 tỷ đồng, tăng 22,1% so với đầu năm. Đặc biệt, các con số kết quả kinh doanh của VietinBank cho thấy, ngân hàng này đang tiến quân mạnh mẽ vào lĩnh vực bán lẻ. Dư nợ bán lẻ của VietinBank tăng mạnh 51% so với năm 2014...
Chí Tín

Theo baodautu.vn