Đà giảm mạnh trên TTCK Trung Quốc đầu tuần này đã nhuộm đỏ chỉ số chứng khoán toàn cầu



Theo đánh giá của giới chuyên gia, đó là do ảnh hưởng thông tin từ Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định, nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm, đồng Nhân dân tệ tiếp tục bị phá giá sẽ gây áp lực lên TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Trong phiên giao dịch buổi sáng đầu năm 2016, thị trường vẫn diễn ra khá cân bằng, nhưng sang đến phiên chiều, đà giảm của chỉ số VN - Index được nới rộng đáng kể sau khi thị trường đón nhận thông tin chỉ số Shanghai giảm gần 7% và TTCK Trung Quốc phải ngừng giao dịch sớm theo quy định.
Thông tin xấu từ TTCK Trung Quốc cũng khiến TTCK Nhật Bản, Hồng Kông, châu Âu, Mỹ… đồng loạt lao dốc. Đặc biệt, chỉ số Dow Jones giảm 1,58%, chỉ số S&P500 mất 31,28 điểm, tương đương 1,53%, và chỉ số Nasdaq Composite giảm 104,32 điểm, tương ứng 2,08%.
Nguyên nhân chính khiến TTCK Trung Quốc giảm điểm, theo giới phân tích, là do chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tháng 12/2015 của nước này tiếp tục nằm dưới mức 50 điểm, tức sản xuất vẫn đang trong giai đoạn suy giảm. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng lo ngại về việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ ở mức thấp nhất trong vòng 4,5 năm qua.
Ngoài ra, đà giảm của chứng khoán Trung Quốc còn xuất phát từ thông tin không chính thống liên quan đến quy định giao dịch của cổ đông lớn nhằm hãm đà giảm của thị trường. Cụ thể, trước đây, cơ quan quản lý TTCK Trung Quốc quy định các cổ đông lớn của một doanh nghiệp không được bán tháo cổ phiếu khi thị trường giảm điểm sâu.
Điều này đã góp phần ổn định tâm lý NĐT. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch chiều Thứ Hai, lại có thông tin Trung Quốc đang xem xét việc hủy bỏ quy định đó khi TTCK nước này đã hồi phục hơn. Sự cộng hưởng của nhiều thông tin trên đã khiến TTCK Trung Quốc giảm sâu.
Diễn biến TTCK Trung Quốc rớt mạnh gần 7% và phải tạm ngừng giao dịch, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), đã tạo tâm lý hoảng loạn cho các NĐT trên các thị trường và ngay lập tức được phản ánh vào diễn biến các chỉ số chứng khoán toàn cầu.
Một điểm mà các chuyên gia phân tích cũng lưu ý về đà giảm của TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch đầu năm ngoài lý do đến từ TTCK Trung Quốc, đó là tỷ trọng margin trên TTCK Việt Nam đã cao, chỉ cần một lực tác động nhỏ cũng có thể tạo ra những “đốm lửa” trên thị trường.
Tuy nhiên, câu chuyện mấu chốt vẫn là liệu tình hình TTCK Trung Quốc có xấu đi nữa hay không? TTCK Trung Quốc hiện là ẩn số khó đoán định. Trong năm 2015, TTCK Việt Nam đang ổn định khi những điều kiện vĩ mô trong nước tích cực thì phải chịu cú sốc lớn khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá, TTCK Trung Quốc lao dốc.
Theo ông Lâm, những mã cổ phiếu có độ nhạy nhất định với việc giao dịch của khối ngoại sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi diễn biến xấu của TTCK Trung Quốc, bởi TTCK toàn cầu tiêu cực, các quỹ ngoại có thể sẽ bán bớt cổ phiếu trong danh mục để cân bằng NAV và thị giá.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCK MB (MBS) nhận định, trong ngắn hạn, biến động của kinh tế Trung Quốc có tác động lớn trên phạm vi toàn cầu. Giới đầu tư quốc tế rất quan tâm tới các chỉ số kinh tế Trung Quốc, bởi nếu nền kinh tế tiếp tục suy yếu thì Chính phủ nước này lại có thêm “động lực” để tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ, gây áp lực lên diễn biến tỷ giá của các nước khác.
Với dự báo Nhân dân tệ tiếp tục được phá giá và việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt, một số chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng VND sẽ được phá giá trên 5% trong năm 2016.
Trước những diễn biến trên, ông Sơn cho rằng, trong ngắn hạn, TTCK Việt Nam biến động chủ yếu do yếu tố tỷ giá Nhân dân tệ, Khả năng xấu nhất là VN - Index sẽ suy giảm về vùng 540 điểm. TTCK Việt Nam sẽ diễn biến đồng pha với TTCK Trung Quốc, nhưng mức độ giảm có thể ít hơn.
Nguyên nhân là TTCK Việt Nam đã có đợt suy giảm mạnh trong quý IV/2015, nên giai đoạn này nếu giảm thêm thì có tác động mạnh, hay cú sốc mới khiến thị trường giảm sâu. Ngưỡng kháng cự mạnh của chỉ số VN-Index sẽ là 555 điểm, cận trên khoảng 575-580 điểm.
“Nếu khung này vẫn chưa có vấn đề gì thì xu hướng chính của TTCK Việt Nam trong quý I vẫn là đi ngang. Sang đầu quý II, TTCK có khả năng phục hồi, do kỳ vọng từ thông tin kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp trong nước”, ông Sơn nhận định.
Phan Hằng (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn