Sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, đến nay, người tiêu dùng Việt Nam có thể hình dung về Nestlé Việt Nam như thế nào, thưa ông? Hiện Nestlé chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần của các ngành hàng mà Nestlé tham gia sản xuất tại Việt Nam?
Năm 2016 là một năm rất quan trọng, không chỉ đối với Nestlé Việt Nam, là thời điểm kỷ niệm 21 năm trở lại kinh doanh tại Việt Nam, mà còn đối với cả tập đoàn với mốc kỷ niệm 150 năm thành lập. Chúng tôi đã đi một chặng đường dài trước khi có được niềm tin và sự ủng hộ của người tiêu dùng như hiện nay.
Bên cạnh 3 thương hiệu chủ lực NESCAFÉ, MAGGI, MILO luôn dẫn đầu hoặc nằm trong nhóm dẫn đầu xét về thị phần, chúng tôi còn nhiều sản phẩm khác. 90% sản phẩm Nestlé có mặt trên thị trường được sản xuất tại các nhà máy của chúng tôi ở khắp cả nước.






Ở Nestlé, con người là nguồn lực quý, sự tăng trưởng về nguồn nhân lực luôn là một trong những ưu tiên của công ty.



Về thị trường hàng tiêu dùng nhanh, điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là phát triển thị trường và từ đó chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu. Để làm được điều đó, Nestlé cần phải thấu hiểu người tiêu dùng, những người sẽ quyết định sự thành bại của chúng tôi trong tương quan so sánh với những đối thủ khác. Thêm vào đó, đội ngũ nghiên cứu và phát triển thị trường của Nestlé cũng phải đi sâu tìm hiểu thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ những điều rất đỗi bình thường như thói quen sinh hoạt hằng ngày cho đến các trào lưu tiêu dùng mới.
Từ thấu hiểu thị trường, thấu hiểu người tiêu dùng, với quyết tâm trở thành công ty hàng đầu về dinh dưỡng, sức khỏe, sống vui khoẻ, thì mới có thể gây dựng được niềm tin nơi người tiêu dùng thông qua hoạt động truyền thông hiệu quả và nhất là thông qua chất lượng. Tôi tin rằng, người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng các sản phẩm được sản xuất trong nước có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có giá trị dinh dưỡng cao không kém các thị trường khác.
So với những kỳ vọng đầu tư của Công ty vào Việt Nam, hiệu quả các dự án của Nestlé tại Việt Nam ra sao, thưa ông?
Ở nhiều thị trường khác, Nestlé là một tập đoàn có sự hiện diện kinh doanh rất lâu đời, hàng chục, có khi lên đến hơn 100 năm. Chúng tôi cũng chuẩn bị đánh dấu cột mốc 21 năm trở lại Việt Nam. Điều đó khẳng định cam kết đầu tư có chiều sâu và lâu dài vào đất nước này.
Hiện nay, tổng vốn đầu tư của Nestlé vào Việt Nam đã đạt gần nửa tỷ đô la Mỹ. Chúng tôi hiện có 3 nhà máy chế biến thực phẩm, đồ uống và 2 nhà máy đóng chai La Vie. Chúng tôi rất tin tưởng và lạc quan về một tương lai phát triển của Việt Nam và triển vọng kinh doanh tại đất nước này. Điều này được minh chứng bằng nhà máy thứ 6 đặt ở một tỉnh miền Bắc sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Nestlé Trị An đặt tại Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai) là nhà máy chuyên sản xuất cà phê hoà tan phục vụ cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Đặc biệt, nhà máy chế biến hạt cà phê khử caffeine đặt tại đây mới đi vào hoạt động hồi tháng 3/2015 là một trong 3 nhà máy sở hữu công nghệ hiện đại nhất thế giới của chúng tôi. Lợi thế của chúng tôi khi đặt nhà máy tại đây là nguồn cung ứng nguyên liệu tại chỗ.
Vấn đề đáng nói nhất trong hoạt động xuất khẩu hiện nay, theo tôi, là giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu dưới dạng thô còn thấp. Để cải thiện điều này, Nestlé, ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm đầu vào thu mua từ nông dân, còn đưa một phần sản phẩm thô vào chế biến để nâng cao giá trị xuất khẩu. Điều này thể hiện sự liên quan mật thiết, cũng như tầm quan trọng của Việt Nam trong hệ thống kinh doanh toàn cầu của Nestlé.
Ông có thể cho biết rõ hơn về chiến lược kinh doanh của Nestlé tại Việt Nam trong thời gian tới?
Tăng trưởng là mục tiêu quan trọng nhất của Nestlé Việt Nam, bao gồm nhiều khía cạnh như tăng trưởng về sản lượng, lợi nhuận, nguồn nhân lực... Có tăng trưởng thì chúng tôi mới có cơ hội đầu tư mở rộng các dự án sản xuất hay đầu tư phát triển cho con người của Nestlé Việt Nam.
Trong tầm nhìn ngắn và trung hạn, chúng tôi muốn phát triển nhanh, nhưng sự phát triển đó phải bền vững và có trách nhiệm. Tối đa hóa lợi nhuận trong thời gian ngắn không phải là mục tiêu chính của chúng tôi. Triết lý kinh doanh của Nestlé không chỉ mang lại lợi ích cho các cổ đông, hay lợi ích nội bộ của Tập đoàn, mà còn chăm lo cho lợi ích của các đối tác kinh doanh bên ngoài của như cộng đồng dân cư hay môi trường nơi chúng tôi đang hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong triết lý kinh doanh của Nestlé, chúng tôi gọi đó là tạo giá trị chung (Creating Shared Value).
Nestlé luôn vươn đến mục tiêu trở thành một trong những công ty hàng đầu về dinh dưỡng, sức khỏe và sống vui khoẻ, mong muốn cải thiện, nâng cao cuộc sống của hàng triệu người tiêu dùng thông qua các sản phẩm tốt nhất về dinh dưỡng. Chúng tôi đã, đang và tiếp tục đi theo triết lý kinh doanh này thông qua một loạt hoạt động. Ví dụ, nhãn hàng MILO hợp tác với Viện Dinh dưỡng Việt Nam thực hiện chương trình cung cấp kiến thức và giải pháp đối với tình trạng thiếu hụt vi chất sắt, một trong những vi chất mà người Việt Nam, đặc biệt trẻ em, bị thiếu hụt nhiều nhất, có khả năng gây tác động xấu đến sự phát triển về thể chất của trẻ.
Có thể tìm thấy tình trạng mất cân bằng trong một bộ phận trẻ nông thôn và trẻ thành thị ở 2 mặt đối lập nhau, nơi thì thừa dinh dưỡng, nhưng thiếu vận động và ngược lại. Ở đây, Nestlé có chung mục tiêu và sát cánh cùng cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong ngành dinh dưỡng, cùng sát cánh tuyên truyền và giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam nhận thức được và xây dựng một cuộc sống cân bằng giữa các yếu tố dinh dưỡng và hoạt động thể chất.
Một trong những nền tảng cơ bản trong hoạt động kinh doanh của Nestlé là tạo giá trị chung. Nguyên tắc này được Nestlé thực thi ở Việt Nam ra sao?
“Tạo giá trị chung” không phải là hoạt động từ thiện, mà là một triết lý kinh doanh đã được Nestlé đưa vào chiến lược kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn từ những ngày đầu tiên. Tại Việt Nam, chiến lược "Tạo giá trị chung" được thực hiện thống nhất thông qua các dự án trong các lĩnh vực dinh dưỡng, nguồn nước và phát triển nông thôn.
Trong chương trình “Giáo dục dinh dưỡng học đường - Nestlé Healthy Kids”, Nestlé Việt Nam hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Dinh dưỡng quốc gia hỗ trợ xây dựng phòng máy tính, cung cấp phần mềm, tài liệu và các đồ dùng học tập về kiến thức dinh dưỡng học đường. Mục tiêu của chương trình là nâng cao kiến thức và thực hành về dinh dưỡng cho các em thông qua phương pháp giảng dạy tương tác. Được thực hiện từ năm 2012, chương trình đã và đang được triển khai thành công tại 18 trường tiểu học của 5 tỉnh/thành phố.
Trong lĩnh vực nguồn nước, Dự án WET được LaVie triển khai tại Việt Nam vào năm 2005. Đây là chương trình bảo tồn tài nguyên nước và môi trường sống, trở thành một phần trong chương trình giảng dạy tại các trường phổ thông ở Việt Nam, giúp tuyên truyền ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên này từ học sinh đến gia đình và cộng đồng. LaVie cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để kiểm soát tình hình ô nhiễm nước và duy trì nguồn nước bền vững.
Trong lĩnh vực phát triển nông thôn, Dự án NESCAFÉ Plan hợp tác cùng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, hỗ trợ cung cấp cây giống cà phê sạch bệnh cho nông dân Tây Nguyên, với tổng số 11 triệu cây (tính đến hết năm 2015) dưới hình thức hỗ trợ 1/2 giá cây giống.
Song song với việc cung ứng cây giống tốt, sạch bệnh, Dự án cũng hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Thông qua các hoạt động hỗ trợ và cùng nhau thực hành sản xuất, sản lượng cà phê đã tăng 14%/ha và qua đó, thu nhập của người nông dân cũng tăng lên 14%/ha, tương đương 16 triệu đồng/ha/năm.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, là một công ty đa quốc gia, Nestlé đặt thị trường Việt Nam trong bức tranh chung về hoạt động đầu tư của Tập đoàn như thế nào? Hay nói cách khác, Việt Nam có vị thế như thế nào trong “bản đồ” đầu tư, tổng thể hoạt động đầu tư của Nestlé trên toàn thế giới?
Việt Nam là một thị trường thuộc nhóm các nước mới nổi nhiều tiềm năng và triển vọng trong tương lai. Phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân tại thị trường Việt Nam là điều chúng tôi muốn vươn đến. Để có được niềm tin của người tiêu dùng thì buộc những người làm ra sản phẩm phải thấu hiểu họ. Nếu chỉ dựa vào bề dày hoạt động kinh doanh đa quốc gia mà không am hiểu thị hiếu tiêu dùng của người dân trong nước, Nestlé sẽ khó mà thành công. Thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam hay thay đổi với đòi hỏi ngày càng cao hơn về nhiều mặt, bất kỳ nhà sản xuất nào không đáp ứng kịp chắc chắn sẽ bị đào thải.
Nestlé có chiến lược đưa Việt Nam trở thành điểm tham chiếu cà phê Robusta. Chiến lược này đến nay đã thực hiện được đến đâu?
Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê, đặc biệt là cà phê Robusta, lớn nhất thế giới và Nestlé tự hào được góp phần vào thành tích này, với sản lượng xuất khẩu hàng năm chiếm 20-25% tổng sản lượng xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, cà phê của Việt Nam chưa được đánh giá tương xứng với vị thế và tiềm năng của nó như Brazil đã làm với cà phê Arabica. Điều này làm ảnh hưởng đến giá cả của mặt hàng này, cũng như khó cải thiện đời sống của nông dân trồng cà phê vốn còn nhiều khó khăn.
Do vậy, cải thiện hình ảnh thông qua nâng cao năng suất và chất lượng của cà phê Việt là mục tiêu của Nestlé để đưa Việt Nam thành điểm tham chiếu của cà phê Robusta trên thế giới.
Cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đối tác khác, đặc biệt là nông dân, Nestlé tham gia Dự án hợp tác công tư (PPP) về nông nghiệp, trực thuộc nhóm phát triển cà phê bền vững. Hoạt động của nhóm dự án tác động tích cực và góp phần cải thiện phương thức sản xuất cà phê của nông dân Việt Nam theo hướng bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.
Bích Ngọc

Theo baodautu.vn