Áo thun của “Mr Yes”
Năm 2010, chưa có tên tuổi, aothun.vn đã tham gia phân khúc áo thun đồng phục cho doanh nghiệp, nên aothun.vn đã chọn ngách mà cả thị trường đều “chê”.
Khi đó, các đơn hàng chỉ 5-7 cái và Công ty “chấp” hết những khó tính của khách hàng. Ông Nam xác định Công ty chấp nhận không doanh thu để lấy uy tín, nên đã gần như không từ chối đơn hàng nào. Cái tên Mr Yes (ông Đồng ý) được đối tác đặt cho cũng từ đó mà ra.
Từ chưa tới vài trăm đơn hàng mỗi tháng, số lượng đơn hàng tăng dần và ổn định ở gần 20.000 đơn hàng ở những tháng cao điểm vào năm 2013. Số lượng nhân viên từ 10 người tăng lên 200.






Doanh nhân Nguyễn Phương Nam, đồng sáng lập thương hiệu aothun.vn




Lúc này, ông Nam quyết định mở rộng sang mảng gia công áo thun cho các hãng thời trang trong nước. Bởi áo thun đồng phục là ngành phát triển theo chu kỳ trong trong năm. Nên có những giai đoạn vượt mốc 20.000 đơn hàng/tháng, rồi trở về mức thấp điểm, sự thất thường đó khiến Công ty không thể tận dụng tối đa năng lực sản xuất của mình.
Bên cạnh đó, các mẫu áo thun đồng phục thường rập khuôn về ý tưởng, vải thì thô, cứng. Do đó, việc chuyển qua gia công cho các công ty thời trang, theo ông Nam sẽ giúp khắc phục được các điểm yếu này, nhằm nâng cao giá trị dòng sản phẩm áo thun đồng phục của Hãng.
Nghĩ là làm, ông kéo một người bạn đã làm 10 năm ở Công ty Thời trang Việt, đơn vị sở hữu nhãn hàng Ninomaxx về làm. Cả hai bắt đầu lên kế hoạch chào hàng cho các công ty ở khu vực phía Bắc như Kowil Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu Owen), Hoàng Dương (đơn vị sở hữu thương hiệu Canifa)…
Theo ông Nam, thị trường phía Bắc với hai mùa nóng - lạnh rõ rệt. Mùa lạnh rất ít người mặc áo thun, do đã khoác áo lạnh bên ngoài, nên ngành áo thun sẽ không hấp dẫn với các doanh nghiệp địa phương, vì chẳng ai lập doanh nghiệp để chỉ làm vài ba tháng trong năm và đó là cơ hội của aothun.vn.
Chiến lược này đã phát huy tác dụng. Tính đến cuối năm 2014, đơn hàng gia công cho các nhãn hàng thời trang của aothun.vn ổn định ở mức 20.000 đơn hàng/tháng.
Chông gai đường đến với nghề
Thực ra, aothun.vn có từ năm 2008 và ông Nam khi đó đứng ở vai trò đồng sáng lập và Công ty ban đầu định hướng thương mại trong thị trường áo thun đồng phục.
Tuy nhiên, kế hoạch này không thành vì không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm khi giao hàng cho khách. Năm 2010, ông Nam trở thành người điều hành và chuyển hướng sang sản xuất, nhưng do không biết gì về lĩnh vực sản xuất áo thun, hay may mặc nên ông Nam đầu tư vào đâu là… “trớt quớt” chỗ đó!
“Nhớ ngày đầu ra chợ Tân Bình mua vải, sờ vào thấy vải mát lạnh nên thích lắm. Nghĩ là vải tốt, nhưng đâu ngờ vải đó được người bán phun hơi sương nên mới vậy. Cũng do phun hơi sương nên vải cũng nặng hơn 20-30%. Lúc mua về để trong kho thì vải khô lại làm trọng lượng giảm, chất vải cũng không còn mát”, ông Nam bật cười khi kể lại bài học xương máu đó.
Kế đến là đầu tư xưởng may, ông Nam thuê một người quản lý có nhiều năm làm trong ngành may mặc của một công ty có quy mô lớn, vì nghĩ họ có nhiều kinh nghiệm quản lý sản xuất. Nhưng thực tế không phải vậy, đa số các công ty may lớn chỉ có một vài đơn hàng nhưng số lượng lớn, ít mẫu mã và có kế hoạch sản xuất dài. Còn đối với aothun.vn lúc đó, đơn hàng nhiều, số lượng mỗi đơn hàng ít, sử dụng nhiều loại vải và lúc nào cũng phải giao gấp.
Chưa hết, bộ phận in thành lập cùng thời điểm với xưởng may cũng không khá hơn khi sản phẩm in ra liên tục bị lỗi, nên chỉ sau 6 sáu tháng, cả hai xưởng buộc phải tạm đóng cửa vì không đáp ứng được yêu cầu khách hàng.
Không nản, ông Nam đăng ký tham quan hội chợ triển lãm ngành in ở Đức để học hỏi kinh nghiệm. Ở đây, ông thiết lập các mối quan hệ với các hãng in có tên tuổi và xin tài liệu hướng dẫn từ họ. Về nước, khi gặp trục trặc trong việc in ấn ông lại liên hệ “cầu cứu”.
Cũng nhờ có mối quan hệ với các doanh nghiệp Đức, ông Nam kết nối được với nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành in ở Việt Nam. Từ đó thiết lập mối quan hệ khá thân thiết với các doanh nghiệp này để tiếp tục học hỏi.
Sau khi ổn định khâu in và may, ông Nam bắt đầu mở rộng sang khâu dệt, đầu tư máy móc để giảm giá thành sản xuất và đáp ứng nhu cầu về màu áo của khách hàng.
Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong khâu dệt, ông Nam đã tính toán sai trong việc chọn khổ, khiến Công ty lỗ vì cùng một định mức vải, aothun.vn cho ra thành phẩm ít hơn đối thủ. Đã vậy, thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý , khiến vải nhuộm sau khi dệt thì không sử dụng được.
Để giải quyết, ông Nam gửi máy móc vào công ty đối tác có kinh nghiệm trong ngành dệt và nhuộm để tận dụng kỹ thuật của họ. Nhờ vậy, việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới của aothun.vn trở nên thành công.
Ông bảo, cái may mắn nhất của ông khi làm aothun.vn là dù có được những mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp đầu ngành về in ấn, nhuộm, dệt… và đó là nền tảng cho Công ty phát triển.
Khi được hỏi, lúc khởi sự vì sao Công ty vẫn giữ được khách hàng, trong khi đơn hàng hay bị lỗi. Ông Nam cho biết, do aothun.vn sẵn sàng bồi thường hợp đồng một cách nghiêm túc, nếu làm sai, nên khách hàng vẫn tin tưởng và cho Công ty cơ hội.
Đam mê kiểm soát chuỗi giá trị
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật, chuyên ngành điều khiển robot. Ông Nam cho biết, đam mê sở hữu xưởng sản xuất đã nung nấu trong đầu ông từ năm lớp 10.
Năm đó, gần khu vực ông sống ở Bình Dương có một doanh nghiệp kinh doanh gỗ về lập nhà máy. Hàng ngàn công nhân nhập cư kéo vào làm thay đổi bộ mặt khu dân cư. Hàng quán, khu vui chơi bắt đầu mọc lên làm khu vực ông sống nhộn nhịp hẳn lên.
Sau đó, nhiều nhà máy sản xuất khác cũng đổ về để tận dụng nguồn lao động địa phương. Ấn tượng của cậu học sinh trung học Nguyễn Phương Nam lúc bấy giờ là hình ảnh ông chủ được ví như linh hồn của người dân quanh đó. Bởi khi đơn hàng đông, cả khu vực nhộn nhịp hẳn lên, còn khi đơn hàng không có, sự đìu hiu, ảm đạm bao trùm cả dãy nhà trọ.
Đam mê kiểm soát chuỗi giá trị cũng xuất phát từ đó, ông Nam cho biết, trong lĩnh vực may mặc, phần lớn các doanh nghiệp phát triển theo chiều dọc, tức chỉ chuyên một công đoạn. Rất hiếm công ty phát triển theo chiều ngang như aothun.vn vì tốn công sức và chịu rủi ro rất cao.
Chính vì thế, dù đã ổn định với mô hình cho thuê nhà trọ với quy mô hơn 1.000 phòng của gia đình, ông Nam vẫn dành nhiều tâm huyết phát triển aothun.vn.
Sau 6 năm trời không ngừng học hỏi, bắt đầu từ năm 2016, aothun.vn sẽ mở rộng sang lĩnh vực thời trang bằng mặt hàng áo thun. Bởi sau một thời gian dài làm gia công cho các đối tác lớn, aothun.vn muốn tạo cho mình một thương hiệu riêng.
Ông Nam cho biết, Công ty sẽ xâm nhập thị trường bằng hình thức cung cấp trải nghiệm cho khách hàng. Theo đó, aothun.vn sẽ cho khách hàng chọn lựa các mẫu thiết kế, logo áo theo sở thích của mình và in lên áo ngay tại chỗ hoặc đặt hàng qua Internet.
Dù là hình thức không mới, nhưng do chất lượng in ấn và chất liệu vải không tốt của các doanh nghiệp đi trước là cơ hội dành cho aothun.vn. Để cụ thể hóa ý tưởng trên, Công ty đã mở một showroom trên đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) và thực hiện các chương trình trải nghiệm in áo thun ở các trung tâm thương mại lớn, gần đây nhất là ở Cresent Mall.
“Nhắc tới trứng gà, người ta nhớ Ba Huân. Gạch thì có Đồng Tâm Long An. Tôi mong một ngày nào đó aothun.vn cũng được biết đến rộng rãi như vậy”, ông Nam nói.
Công Sang

Theo baodautu.vn