Việt Nam hiện là điểm đến gia công của nhiều thương hiệu thời trang lớn toàn cầu như Mango, Gap, Banana Republic… đó chính là lý do khiến người tiêu dùng tin rằng, họ sẽ mua được một món “hàng hiệu”ù. Được biết, tại các cửa hàng thời trang thuộc các hệ thống lớn như “Made in Việt Nam”, “Hàng Việt Nam xuất khẩu”…, sự tin tưởng của người tiêu dùng càng được cùng cố, nhưng liệu đó có phải là hàng hiệu thực sự hay không?.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Diệu Hoa, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Hoa Việt (Đan Phượng, Hà Nội), một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất hàng may mặc bình dân bán ở thị trường nội địa cho biết, những sản phẩm được gắn mác của thương hiệu lớn như H&M, Zara, Esprit, Mango, F21, Uniqlo… bán tại các cửa hàng ở Việt Nam như một ma trận của hàng nhái lẫn với hàng thật. Việc một số hàng chính hãng được “tuồn” ra là lý do để người bán khẳng định nguồn gốc “xịn” của món hàng, còn kẻ mua, đó lại là cơ sở để họ tin rằng, món hàng đó xứng đáng với số tiền họ bỏ ra.






.



Nói rõ thêm về điều này, bà Hoa cho biết, các doanh nghiệp dệt may trong nước làm gia công cho các thương hiệu này để xuất khẩu, tuy nhiên, tất cả mẫu mã, nguyên phụ liệu… đều được đối tác cung cấp theo đơn hàng và lượng nguyên liệu dư rất hạn chế. Đối với các sản phẩm lỗi, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nếu có được doanh nghiệp thanh lý thì chắc chắn số lượng cũng rất ít và không phổ biến về kích cỡ.
Nếu như trước đây hàng giả, hàng nhái các thương hiệu thời trang nổi tiếng chủ yếu có nguồn gốc Trung Quốc, thì nay phần lớn đều được sản xuất ngay tại Hà Nội và các sản phẩm nhái này có mức độ tiêu thụ rất mạnh.
“Chỉ cần thị trường có mẫu mới hôm trước, thì 2-3 ngày sau, các cơ sở gia công tư nhân đã có thể cung cấp hàng nhái theo đúng yêu cầu đặt hàng từ các chủ cửa hàng thời trang”, bà Hoa nói.
Vậy điều gì khiến cho hàng nhái lại có dư địa tăng trưởng về tiêu thụ lớn đến vậy. Theo giới kinh doanh bán lẻ hàng thời trang, hàng nhái được làm khá tinh vi, từ mẫu mã, chất liệu vải, phụ kiện đi kèm. Nếu không phải là người tiêu dùng am hiểu về các thương hiệu và trong giới thì khó nhận ra. Thêm vào đó, giá bán của các món hàng nhái rất hấp dẫn nếu so với hàng chính hãng. Chẳng hạn, 1 chiếc váy hè Mango chính hãng có giá trên thị trường khoảng 2 triệu đồng, thì mẫu tương tự như vậy được may gia công chỉ từ 450.000 - 500.000 đồng.
Vấn nạn hàng nhái gây thiệt hại lớn cho ngành may. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP May Hưng Yên cho biết, hàng nhái khiến thật giả lẫn lộn, làm cho hàng thật không bán được. Doanh nghiệp sản xuất hàng thật mất rất nhiều tiền cho thiết kế mẫu, chi phí quản lý, đóng thuế… nên giá thành cao, trong khi hàng nhái chỉ đi ăn cắp mẫu, lại không mất thuế, nên giá thành thấp. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này sẽ khiến các hãng nước ngoài tẩy chay không đặt doanh nghiệp Việt gia công vì lo ngại bị ăn cắp mẫu mã.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), với hệ thống gần 100 doanh nghiệp thành viên, trong đó có nhiều doanh nghiệp phát triển tốt thị trường nội địa với doanh thu hơn 22.000 tỷ đồng/năm cũng phải than rằng, kinh doanh hàng thời trang khó tứ bề bởi vấn nạn hàng nhái.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài không đáng ngại bằng cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái len lỏi mọi ngõ ngách trên thị trường.
Các nhà sản xuất kêu gọi người tiêu dùng không dùng hàng nhái, bởi dùng hàng nhái là bóp chết hàng thật, và cũng thể hiện sự thiếu văn minh trong cuộc sống, nhất là với người biết rõ hàng nhái mà vẫn dùng. “Có thể ví như biết rõ đồ ăn cắp mà vẫn mua”, một giám đốc doanh nghiệp dệt may nói.
Để giúp người tiêu dùng mua được hàng thật, giới thời trang khuyên người tiêu dùng nên tìm đến các địa điểm bán hàng chính hãng để mua. Bên cạnh đó, cũng nên trang bị cho mình một số kiến thức về thời trang để trở thành người tiêu dùng thông thái, phân biệt được hàng thật hàng nhái.
Thế Hoàng

Theo baodautu.vn