Bài 3: Khát vọng Việt Nam thịnh vượng
Giấc mơ thịnh vượng
Vài ngày sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (Khóa XI) kết thúc, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương bắt đầu chia sẻ về kỳ vọng xuất hiện làn sóng khởi nghiệp, làn sóng đầu tư thứ hai ở Việt Nam, tính từ lần đầu tiên vào năm 2000, sau khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999.
Ông hồ hởi: “Tinh thần khởi nghiệp quốc gia đã được ghi vào Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. Đây là lần đầu tiên đấy”.
Hóa ra, con số 500.000 doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có mặt trong cuộc họp quan trọng của Trung ương vừa rồi. Những người đang nắm trong tay vận mệnh của đất nước cũng đã nói đến mong muốn 2 triệu doanh nghiệp Việt Nam vào cuối nhiệm kỳ tới, năm 2020, để giải quyết được sự lệch pha mà nhiều chuyên gia kinh tế đang nói đến khi so sánh giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế Việt Nam vài năm vừa rồi.
Những công việc phải làm ngay trong năm 2016 cũng đã được bàn tới, đó là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để ngang hàng với những nền kinh tế hàng đầu ASEAN, nâng cao năng lực cạnh tranh, phải tính tới tác động theo chiều ngang của các chính sách, để các doanh nghiệp đều được hưởng, phải áp đặt kỷ luật thị trường cho tất cả các doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước...
Chưa bao giờ, những nền tảng quan trọng cũng như không gian cho sự lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân lại vững vàng, với những thông điệp rõ ràng đến vậy.
Cũng ngay vào lúc này, các chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) trong Tổ biên tập Báo cáo Việt Nam 2035 đang nỗ lực bước hoàn thiện cuối cùng sau 2 năm triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đây là bản báo cáo được chờ đợi, vì nó không chỉ chứa đựng những nghiên cứu, quan điểm của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và WB cho chặng đường đi tới của nền kinh tế Việt Nam, mà còn chứa đựng hàng ngàn ý tưởng, kế sách và cả giấc mơ về một Việt Nam thịnh vượng của người dân gửi gắm qua hệ thống trao đổi trực tuyến. Trực tiếp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và bà Giám đốc WB tại Việt Nam Victoria Kwakwa đã tham gia cuộc trao đổi này trong gần một năm.
Chính bởi vậy, sự hoàn tất của Báo cáo Việt Nam 2035 không phải là điểm kết thúc, mà chính là điểm khởi đầu cho những hành động cụ thể, biến giấc mơ thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam thành hiện thực, trong đó, khu vực doanh nghiệp Việt Nam vừa là nhân tố hưởng lợi, vừa là những người thực thi quan trọng
Kỳ vọng vào bước đột phá mới về cả chất và lượng của doanh nghiệp đang hội tụ những điều kiện và cơ hội chưa từng có.
Nhưng cũng trong lúc này, cộng đồng doanh nghiệp phải trả lời rõ câu hỏi, họ sẽ tận dụng cơ hội này thế nào, làm gì trong không gian mới của hội nhập mà nền kinh tế Việt Nam đã đặt cả hai chân, không có đường lùi.
Nhìn lại 30 năm qua, mỗi bước tiến chân của doanh nghiệp kinh tế tư nhân trong nền kinh tế khi nhà nước lui chân thường mạnh mẽ hơn khi song hành với những cam kết chủ động và quyết liệt hội nhập của Đảng và Nhà nước. Có thể nhắc tới 3 dấu mốc quan trọng. Đó là năm 1995, Việt Nam tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) sau khi trở thành thành viên của ASEAN. Năm 2001, hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (BTA) được ký kết, mở ra hơn một thập kỷ xuất siêu liên tục của Việt Nam sang quốc gia bên kia bờ Thái Bình Dương, để đến năm 2014 Việt Nam trở thành nước xuất khẩu số một vào thị trường Hoa Kỳ trong 10 nước ASEAN. Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trước đó, một loạt văn bản pháp quy liên quan đến đầu tư – kinh doanh được sửa đổi, đáp ứng yêu cầu từ các thành viên WTO với nước gia nhập mới. Đây cũng chính là dấu mốc của những điểm bắt đầu xu thế tăng tốc trong đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Thương hiệu Việt trong các ngành này dày thêm sau mỗi thời điểm hiệu lực của các cam kết.
Nhưng cũng trong ngần ấy năm, số doanh nghiệp Việt Nam bị trả hàng vì chất lượng sản phẩm, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm tăng lên... Thậm chí, mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang có dấu hiệu lui chân dần về những thị trường dễ tính, thay vì tạo thương hiệu và đột phá tại các thị trường lớn của thế giới. Mối lo kết nối giữa các doanh nghiệp vẫn còn nguyên.
Dấu mốc tiếp theo cho bước thăng hoa mới của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ là thời điểm hiệu lực của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA giữa Việt Nam và EU hay TPP. Vì bản chất của những cam kết này vẫn là tự do hơn, thị trường hơn, nhưng đầy tham vọng trong ràng buộc cải cách chính sách quan trọng. Đây chính là nền tảng quan trọng để các khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và đúng quy luật và kỷ luật của thị trường.
Trong câu chuyện này, phải nhắc lại câu nói của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đó là Chính phủ đã đột phá về thể chế, tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm tạo ra giá trị cho đất nước. “Chúng ta sẽ không thể nói đến thương hiệu quốc gia nếu không có doanh nghiệp uy tín, không có một cộng đồng kinh doanh có văn hóa”, ông Lộc nói.
Khát vọng thay đổi
Trở lại câu chuyện của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải về “buổi sớm mai” của doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng hiện tại, tình thế cũng đã thay đổi.
“Doanh nghiệp Việt Nam phải làm khác, nếu không muốn bị dạt ra rìa hội nhập, không muốn nền kinh tế Việt Nam quanh quẩn mãi ở nhóm 4 nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) kém phát triển nhất ASEAN”, ông Dương rút ruột chia sẻ với những đồng nghiệp trẻ tuổi của mình.
Nhưng đòi hỏi làm khác mà ông Dương chỉ ra lại rất khó thực hiện. Đó là phải quên đi những lợi thế có được trong bối cảnh chưa hội nhập, môi trường kinh doanh còn nhiều khúc mắc, còn nhiều cái có thể lợi dụng để kiếm tiền.
Với không ít doanh nghiệp Việt Nam, đây chính là “năng lực cạnh tranh cốt lõi” của họ. Nếu phải quên đi các lợi thế này, họ sẽ không thể tồn tại.
Nhưng ông Dương đúng khi đặt nặng trách nhiệm lên vai cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, bởi với gần 20 năm lăn lộn trên thương trường, trải qua đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố của môi trường kinh doanh Việt Nam trong bước tìm đường hòa nhập vào thị trường thế giới, ông nhìn thấy rất rõ thế yếu của doanh nghiệp Việt Nam trên các bàn đàm phán. Ngay cả trong sự nở rộng của khu vực doanh nghiệp tư nhân những năm qua, có nhiều “người khổng lồ, chân đất sét”.
Tất nhiên, không dễ để thay đổi nhanh khi nguồn lực và năng lực của nhiều doanh nghiệp còn quá nhỏ. Hơn thế, thể trạng yếu ớt của doanh nghiệp Việt Nam hiện tại có một phần lý do quan trọng là tính không ổn định, không nhất quán của môi trường thể chế.
Nhưng điều quan trọng hơn, những doanh nhân này đang nhìn thấy vị trí của mình trong nền kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới trên đường đi lên, nhưng ngã ba tới là hai ngã rẽ - như cảnh báo của GS. Trần Văn Thọ, Đại học Wasada (Nhật Bản). Một là tận dụng được các cơ hội của hội nhập để vững bước đi lên, hai là sẽ đi ngang và rơi vào sự trì trệ của bẫy thu nhập trung bình.
Các doanh nhân đã gọi đây là tình thế “không có đường lùi, không có đường khác”. Họ đang trong tâm thế thay đổi, muốn thay đổi để trụ vững và vượt lên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Thực tế 30 năm Đổi mới cho thấy, những bước ngoặt lịch sử của kinh tế Việt Nam nhiều khi chứa đựng sức mạnh tự cường, sức mạnh tư duy, sức mạnh dân tộc hơn là sức mạnh vật chất.
Chính khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng đã lớn lên bằng khát vọng sống và mong muốn được cống hiến vì sự phồn vinh của dân tộc Việt Nam. Họ từng bước khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế, bên cạnh những bước cải cách lớn của khu vực doanh nghiệp nhà nước, cùng góp sức vào cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thực tế cũng đã chứng minh, Việt Nam muốn trở thành hổ hay rồng, khu vực kinh tế tư nhân có thực sự là động lực phát triển hay không không thể chỉ trông vào sức ép từ bên ngoài, mà phải tuỳ thuộc vào chúng ta có muốn thay đổi tư duy theo hướng những tư duy phổ biến của thế giới hay không.
Câu trả lời là chúng ta có khát vọng vươn lên, không muốn đứng một mình ngoài thế giới. Trong mùa xuân thứ 30 của công cuộc Đổi mới, người dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đang tin vào điều kiện hội tụ, làm nên những kỳ tích mới, tiếp tục hun đúc và nâng cánh cho khát vọng sống và vươn lên...






Khu vực kinh tế tư nhân có thực sự là động lực phát triển hay không không thể chỉ trông vào sức ép từ bên ngoài, mà phải tuỳ thuộc vào chúng ta có muốn thay đổi tư duy theo hướng những tư duy phổ biến của thế giới hay không.



Bảo Duy

Theo baodautu.vn