Đối với người dân, mức lãi suất tiết kiệm 0% vẫn là một cú sốc bởi chưa có tiền lệ. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet



Tăng tốc chống đô-la hóa để bình ổn thị trường
Cuối tuần qua, lãi suất tiền gửi USD đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm từ 0,25% về 0%/năm, áp dụng từ ngày 18/12/2015. Như vậy, tính từ cuối tháng 9/2015 đến nay, lãi suất tiền gửi USD đã giảm 2 lần, từ 0,75%/năm về còn 0%/năm. Mặc dù mức giảm không lớn, song đối với người dân, mức lãi suất 0% vẫn là một cú sốc bởi chưa có tiền lệ.
Tuy nhiên, xét về bình diện vĩ mô, nhiều chuyên gia và giới ngân hàng đều cho rằng, đây là giải pháp tích cực của NHNN nhằm bình ổn thị trường ngoại hối. Điều này cũng cho thấy, lộ trình chống đô-la hóa của NHNN đang được đẩy nhanh một cách mạnh mẽ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD, tỷ giá trong nước tăng kịch trần, một phần là do tâm lý găm giữ. Vì vậy, lãi suất USD giảm còn 0% sẽ làm giảm bớt tâm lý găm giữ ngoại tệ. NHNN đang thực hiện mọi giải pháp để bình ổn tỷ giá”.
Trên thực tế, mấy ngày qua, có thời điểm, giao dịch tại một số ngân hàng bị ngưng trệ do ngân hàng không muốn bán USD với giá kịch trần (vì kịch trần vẫn thấp hơn so với giá kỳ vọng) và khách hàng cũng không ai bán USD cho ngân hàng, dù có ngân hàng niêm yết giá USD mua vào xấp xỉ giá bán ra. Sự căng thẳng này xuất hiện do tâm lý găm giữ đến từ cả phía người dân, DN lẫn ngân hàng. Do đó, việc đưa lãi suất USD về 0% là một trong những giải pháp giải tỏa tâm lý găm giữ. Tuy nhiên, lãi suất 0% vẫn là chưa đủ.
TS. Hiếu cho rằng, NHNN có thể tính tới cả việc đưa lãi suất USD xuống mức âm – tức gửi USD vào ngân hàng còn phải trả phí - điều mà nhiều nước thực hiện để hạn chế người dân găm giữ USD trong tài khoản.
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, NHNN cần tiến thêm một bước nữa là đưa lãi suất tiền gửi của DN tại ngân hàng xuống mức âm. Theo đó, DN dự trữ ngoại tệ trong tài khoản không bán ra sẽ phải chịu trả phí cho ngân hàng thương mại.
Ồ ạt đổi “đô” sang đồng?
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, cung - cầu thị trường ổn định và việc tỷ giá nóng đơn thuần do yếu tố tâm lý. Trên thực tế, trong 2 tháng vừa qua, Việt Nam đều xuất siêu, FDI và kiều hối đều tăng so với năm ngoái.
Còn ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank nhận định, việc lãi suất tiền gửi USD về 0% sẽ khiến người dân và DN chuyển USD sang VND để hưởng lãi suất cao và tối đa hóa lợi nhuận.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện nay trên 7%, nếu so sánh với USD năm nay dự báo biến động 3 - 4%, thậm chí là 5%, thì gửi VND vẫn có lợi hơn USD.
Tuy nhiên, dù lãi suất tiền gửi USD với DN đã về 0%, nhưng việc chuyển đổi USD sang tiền đồng của DN không diễn ra ồ ạt. Do đó, với dân cư, việc chuyển đổi từ USD sang VND để hưởng lãi suất cao hơn là có, song có lẽ cũng sẽ không diễn ra ồ ạt bởi xu hướng tỷ giá đi lên là rất rõ ràng.
Cho đến nay, tất cả chuyên gia đều nhất trí rằng, NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn trong năm 2016. Bên cạnh đó, phải mạnh tay hơn nữa trong chống đô-la hóa, găm giữ ngoại tệ, như áp dụng lãi suất tiết kiệm USD âm với DN, giảm trạng thái ngoại hối của các ngân hàng từ +/-20% hiện nay xuống còn 10%, tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ, siết chặt hơn nữa thị trường chợ đen…
Trên thực tế, NHNN là người nắm rõ nhất cung - cầu USD của nền kinh tế, biết rõ nhất thị trường nóng do thiếu cung hay nóng do tâm lý. Do đó, bên cạnh đưa ra các giải pháp chặn tâm lý găm giữ, cơ quan này cũng cần bình tĩnh và linh hoạt trong điều hành dựa trên cung - cầu thật của thị trường.
TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến cáo, NHNN cần tự tin vào chính sách điều hành dựa trên những số liệu của mình. “Theo tôi, vấn đề không phải là việc nên hay không nên điều chỉnh tỷ giá, mà quan trọng là cách thức truyền dẫn niềm tin vào thị trường. Đừng nghĩ linh hoạt tỷ giá hối đoái là mở rộng biên độ, bởi đấy chỉ là lý thuyết, đồng thời cũng không nên chạy theo những diễn biến “biểu diễn thời trang” của nhân dân tệ. Tôi cho rằng, sang năm, NHNN không nên điều chỉnh tỷ giá quá 5%, bất chấp Fed có động thái gì. Bởi nếu không cẩn trọng thì tác động của việc điều chỉnh đó sẽ phá vỡ chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam", ông Phước cảnh báo.
Thùy Liên

Theo baodautu.vn