Cuộc họp của HĐQT Eximbank đã kéo dài từ 10 giờ sáng đến hơn 12 giờ trưa ngày 16/12 mới hoàn tất việc bầu chọn Chủ tịch HĐQT. Kết quả là, ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng này, chứ không phải là ông Cao Xuân Ninh, Trưởng đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Văn phòng 2 tại TP.HCM như các thông tin không chính thức đưa ra trước đó.
Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 15/12, dù nhiều cổ đông bức xúc, nhưng cuối cùng, danh sách 8 thành viên ứng cử HĐQT và 1 thành viên HĐQT độc lập đều được thông qua.






.



Trước đó 1 tuần, Eximbank cũng đã thay người nắm quyền Tổng giám đốc. Ông Trần Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc thường trực Eximbank được bổ nhiệm vào vị trí quyền Tổng giám đốc Eximbank. Ngoài ra, HĐQT Eximbank đã quyết định bổ nhiệm 5 thành viên Ban Kiểm soát. Việc bổ nhiệm ban lãnh đạo và ban kiểm soát mới là tín hiệu tích cực đối với Eximbank, vì ngân hàng không còn bị phân tâm với các vấn đề về quản trị và định hướng cho tương lai.
Theo giải thích của ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Eximbank, Ngân hàng đã giảm cho vay tín chấp và danh mục cho vay sản phẩm tài chính lãi suất thấp, đồng thời bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Do đó, dư nợ cho vay 11 tháng giảm so với năm 2014.
Nếu loại trừ cho vay tín chấp và cho vay sản phẩm tài chính, tăng trưởng dư nợ cho vay thực tế đạt 11%, trong đó, cho vay bán lẻ tăng 36%. Như các ngân hàng nhỏ và vừa khác, Eximbank nhắm vào lĩnh vực ngân hàng bán lẻ với cho vay và hoạt động kinh doanh thẻ tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, tổng tài sản giảm 21,15% một phần do Eximbank giảm các hoạt động liên ngân hàng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), các khía cạnh tích cực của Eximbank thời gian qua bao gồm: thay đổi chiến lược tín dụng bằng cách hạn chế các khoản vay nhiều rủi ro và chuyển sang sang các khách hàng ít rủi ro; mở rộng mảng ngân hàng bán lẻ; giảm phụ thuộc vào thị trường liên ngân hàng; vấn đề sở hữu chéo đã và đang được giải quyết tích cực.
Tuy nhiên, VCSC cũng cho rằng, nợ xấu và khoản thu nhập 831,83 tỷ đồng chưa giải quyết của Eximbank sẽ có ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng trong một vài năm tới đây. Vì vậy, trước mắt, cổ đông chưa thể kỳ vọng lợi nhuận và cổ tức.
Một vấn đề khác đang được Eximbank nỗ lực khắc phục đó là kết quả thanh tra của NHNN, cụ thể là cơ cấu cổ đông và hoạt động tín dụng tại Eximbank. Về cơ cấu cổ đông, cổ phần của một số cá nhân đã vượt mức trần 5% do NHNN đưa ra và các cá nhân này đã chuyển nhượng cổ phần theo quy định.
Ngoài ra, còn vấn đề sở hữu chéo, trong đó, Eximbank sở hữu 10% cổ phần tại một công ty liên kết và công ty này lại sở hữu cổ phiếu Eximbank; Eximbank sở hữu 9,5% cổ phần tại Sacombank (STB) và STB sở hữu 2,48% cổ phần tại Eximbank.
Vấn đề sỡ hữu chéo giữa Eximbank và công ty liên kết đã được giải quyết vì công ty liên kết được yêu cầu nhượng lại cổ phần tại Eximbank.
Eximbank cũng đã gửi NHNN kế hoạch thoái vốn khỏi STB.
Có thể nói rằng, Eximbank đã và đang tích cực giải quyết các vấn đề tồn tại về cơ cấu cổ đông theo hướng dẫn của NHNN. Còn về hoạt động tín dụng, NHNN đã tiến hành thanh tra 20% dư nợ vay, 30% dư nợ bảo lãnh và 5 trong số 6 hồ sơ đầu tư tài chính doanh nghiệp tại thời điểm thanh tra. Kết quả thanh tra cho thấy, việc quản lý sử dụng vốn sau khi giải ngân còn chưa chặt chẽ, thiếu chứng từ trong hồ sơ tín dụng hoặc hồ sơ bảo lãnh và tài sản thế chấp không được đánh giá định kỳ.
Các khuyết điểm trên đã ảnh hưởng đến nợ xấu của Eximbank nên cần được giải quyết để đảm bảo ngân hàng hoạt động lành mạnh trong những năm tới.
Trả lời các thắc mắc cổ đông trong buổi họp đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 15/12, lãnh đạo Eximbank cho rằng, những tồn tại trên đang được khắc phục và việc này dự kiến mất khoảng 3 năm.
Thùy Vinh

Theo baodautu.vn