TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ có ba tác động lớn tới Việt Nam.
Thứ nhất là khả năng đảo chiều dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là nguồn vốn còn chưa được tự do lưu chuyển nên ít bị tác động bởi những biến động mang tính nhất thời trên thị trường quốc tế. Việc Fed duy trì lãi suất thấp 0-0,25% trong 8 năm qua và những đợt nới lỏng định lượng tổng cộng lên đến hàng nghìn tỷ USD đã tạo ra một luồng vốn nóng chảy vào các nền kinh tế mới nổi khiến đồng tiền của các nước này tăng giá. Khi thị trường kỳ vọng sự cắt giảm đối với những chính sách nới lỏng trên, dòng vốn lại đảo chiều về Mỹ, khiến nhiều đồng tiền mất giá so với đồng USD.






TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng



Trong bối cảnh thị trường hối đoái thế giới trên, dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam lại không tăng đột biến, và vì thế, tiền đồng không tăng giá trong giai đoạn 2009-2013. Tuy nhiên, lần này Fed tăng lãi suất thì các thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán Trung Quốc đang rục rịch chuyển động: một dòng vốn đang từ từ chảy qua các thị trường mới nổi để tìm đến các thị trường đầu tư vào những tài sản được định giá trên đồng USD.
Tác động thứ hai, về khả năng tăng chi phí vốn. Số liệu thống kê cho thấy, thanh khoản ngoại tệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đang dư thừa. Do đó, nếu Fed tăng lãi suất, chi phí tài trợ thương mại cho hoạt động xuất khẩu – nhập khẩu của Việt Nam cũng sẽ không tăng thêm nhiều, kinh tế Việt Nam vì thế có thể không bị ảnh hưởng mạnh. Tuy nhiên, khó có thể dự đoán được phản ứng của thị trường vốn khi lãi suất đồng USD tăng đợt này.
Tác động thứ ba là áp lực đối với tỷ giá. Thực tế, kỳ vọng Fed tăng lãi suất đã được phản ánh vào giá USD. Tuy nhiên, việc Fed tăng lãi suất sau 8 năm duy trì lãi suất 0% đồng nghĩa với việc Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất ở mức độ mỗi lần 0,25% trong năm 2016 cho đến khi lãi suất USD đạt mức 1%. Nếu điều này xảy ra, giá trị của đồng USD sẽ tiếp tục tăng và các nhà đầu cơ không tội gì bán ra quá nhiều tài sản được định nghĩa bằng USD để tránh hiệu ứng “gậy ông đập lựng ông”.
"Tại cùng một thời điểm mà xảy ra nhiều biến cố như Fed tăng lãi suất, Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ thế giới, giá dầu tiếp tục giảm… giá vàng, USD và giá các ngoại tệ đều có thể ảnh hưởng", TS. Hiếu nhận định.
Dù vậy, nhìn về biến động tỷ giá mấy ngày qua, TS. Hiếu cho rằng, tỷ giá tăng do yếu tố tâm lý phòng thủ của các tổ chức tín dụng, sau đó kéo theo tâm lý thận trọng, găm giữ của dân cư và tổ chức kinh tế.
“Với việc NHNN đang tiếp tục bán ngoại tệ can thiệp và cho biết sẽ phối hợp nhiều biện pháp khác để bình ổn thị trường ngoại tệ, và với chính sách tỷ giá linh hoạt trong thời gian tới, tiền đồng và tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định”, TS. Hiếu nhận định.
Hà Tâm

Theo baodautu.vn