Trong diễn biến mới nhất, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (PayTV) đã chính thức thông báo với MP&Silva (đơn vị nắm giữ bản quyền phát sóng Giải bóng đá Ngoại hạng Anh ở Việt Nam 3 mùa bóng 2016 - 2019) rằng, PayTV sẽ là đơn vị chủ trì Ban Đàm phán mua bản quyền truyền hình EPL 2016 - 2019.
Ban Đàm phán gồm các thành viên là đại diện 10 hãng truyền hình trả tiền Việt Nam, gồm: VTV, VTC, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, VTVcab, Truyền hình Cáp Hà Nội, VTC Digital, SCTV, VSTV, AVG, VNPT Media, Viettel Telecom, FPT Telecom.






Bản quyền Giải Ngoại hạng Anh mùa 2016 - 2019 rất có thể vọt lên đến 70 triệu USD




Trước đó, MP&Silva đã gửi văn bản chào giá bán bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh mùa giải 2016 - 2019 với giá cao ngất ngưởng, lên tới 70 triệu USD.
Đến nay, MP&Silva chưa có văn bản trả lời, song với những gì đã diễn ra trong các đợt mua bán bản quyền truyền hình những năm qua, rất khó thấy “tin báo tiệp” từ Ban Đàm phán.
Ai thổi giá EPL?
Điều gì đã khiến bản quyền phát sóng EPL ở Việt Nam tăng 42 lần trong 14 năm qua, từ 900.000 USD các mùa bóng 2002 - 2004, tăng vọt lên 38 triệu USD trong 3 mùa 2013 - 2016 và rất có thể, mùa 2016 - 2019 lên đến 70 triệu USD?
Cứ 3 năm một lần, Ban Tổ chức EPL lại tổ chức đấu giá bản quyền truyền hình EPL ở Anh và các quốc gia trên thế giới. Và như thường lệ, với đầu óc thương mại của mình, người Anh đã biến EPL thành món hàng giá hời và luôn tìm cách đẩy giá bán lên cao nhất có thể.
Không chỉ ở Việt Nam, ở các nước khác, mức giá bản quyền các mùa bóng cũng tăng vọt. Tại Thái Lan, nếu 3 mùa bóng 2010 - 2013, TrueVisions chỉ phải trả 46 triệu USD, thì 3 mùa bóng 2013 - 2016, Cable Thai Holding phải trả 315 triệu USD để phát sóng truyền hình (tăng gần 7 lần).
Tại Myanmar, nơi mà người lao động thu nhập trung bình chỉ tương đương 27 triệu đồng/năm, đã phải chi 45 triệu USD để mua bản quyền phát sóng Premier League trong 3 mùa 2013 - 2016. So với mức giá 300.000 USD mà nước này mua trước đó, bản quyền đã tăng giá tới 150 lần...
Rõ ràng, EPL đã trở thành “cỗ máy” hái ra tiền cho Ban Tổ chức giải bóng đá này.
Nhưng vì sao, Ban Tổ chức EPL lại bán được EPL với giá cao mà các nhà đài tại các quốc gia phát triển cũng phải “ngậm đắng nuốt cay” đi mua? Lẽ nào, họ không nghĩ ra cách bắt tay nhau để mua EPL giá rẻ?
Mấu chốt nằm ở chỗ, EPL đã đề ra một quy định rất “quái”: chia 380 trận đấu thành 2 hoặc 3 gói khác nhau. Trong đó, EPL đưa nhóm 1/3 - 1/2 số trận hay nhất vào 1 gói gọi là “Gói độc quyền”. Theo đó, gói độc quyền chỉ được phép duy nhất 1 nhà đài phát sóng. Gói còn lại, các nhà đài có thể chia sẻ để phát sóng.
EPL không phải là giải bóng đá đại chúng như EURO, World Cup, mà là một giải đấu thương mại, nên nếu không đồng ý, không tham gia đấu giá cũng chẳng sao. Tuy nhiên, không đời nào các hãng truyền hình lại quay lưng với giải đấu hấp dẫn và thu hút người xem nhất hành tinh, đem lại lợi nhuận khổng lồ từ thuê bao, quảng cáo, bán kênh… Và như thế, cuộc chiến giành gói độc quyền đã diễn ra khốc liệt. Các nhà đài vì giành gói độc quyền, nên đã bỏ giá cao, đẩy giá lên chót vót.
Liệu có ép được EPL, MP&Silva?
Trở lại câu chuyện Ban Đàm phán mua EPL. Chiểu theo quy định này, MP&Silva sẽ không được phép bán gói độc quyền cho PayTV vì đây là gói độc quyền chỉ phát sóng trên một nhà đài.
Như vậy, rất có thể, Ban Đàm phán “ép giá” MP&Silva mua hợp lý ở gói không độc quyền, còn gói độc quyền, các nhà đài sẽ vẫn phải bỏ thầu.
Đến đây, rất có thể một kịch bản cũ sẽ diễn ra như mùa bóng trước: Hãng Canal+ sẽ mua gói độc quyền 3 mùa 2016 - 2019 và chuyển giao lại cho K+ phát sóng.
Điều đáng lưu ý là, do việc mua bán bản quyền truyền hình thuộc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nên việc can thiệp của Nhà nước rất khó áp dụng, trừ phi Việt Nam áp dụng phương pháp của Singapore năm 2013, là ban hành luật Cross Carriage Measure (yêu cầu phát chéo nội dung của nhau) đối với các đài truyền hình trả tiền.
Với thực tế như vậy, “cuộc chiến” bản quyền EPL có thể sẽ còn rất khốc liệt ở phía trước.
Hữu Tuấn

Theo baodautu.vn