Ông có bình luận gì về quyết định tăng lãi suất USD lên 0,25% mới đây của Fed, chấm dứt 8 năm duy trì lãi suất 0%?
Thứ nhất, việc tăng lãi suất USD đã dự báo từ lâu, thị trường đã “chiết khấu” từ lâu. Thời gian gần đây, thị trường chuyển sang xu hướng kỳ vọng Fed tăng lãi suất, nếu Fed chần chừ tăng lãi suất, thị trường sẽ lo ngại kinh tế phục hồi chưa ổn. Cho nên, việc tăng lãi suất đồng USD của Mỹ được thị trường đánh giá cao. Điều này cho thấy, Ngân hàng Trung ương Mỹ đánh giá đúng phản ánh thị trường.
Thứ hai, trong phiên họp trước đây, Chủ tịch của Fed khẳng định, việc Fed điều chỉnh lãi suất hay không tùy thuộc thái độ của Trung Quốc. Vì vậy, việc Fed điều chỉnh lãi suất khiến thế giới cũng yên tâm hơn về chính sách tiền tệ của Trung Quốc và khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc, rằng nước này sẽ không để nền kinh tế “rơi” thẳng đứng như Nhật Bản.






TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế




Thứ ba, với quyết định điều chỉnh lãi suất, Fed cũng đưa ra thông điệp rằng, kinh tế thế giới dù khó khăn, nhưng sẽ phục hồi, trong đó có cả kinh tế châu Âu và Nhật Bản.
Tại Việt Nam, việc tăng lãi suất USD có tác động nhiều không, thưa ông?
Ở nước ta, khi tính toán điều chỉnh tỷ giá từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tính đến khả năng Fed sẽ điều chỉnh lãi suất với mức tăng ít. Vì vậy, thực tế, chính sách tiền tệ thời gian qua đã “chiết khấu” điều chỉnh lãi suất này của Fed, kể cả chính sách lãi suất lẫn chính sách tỷ giá hối đoái.
Chính vì vậy, NHNN cũng như thị trường không có bất ngờ nào về quyết định tăng lãi suất lên 0,25% của Fed. Đúng ra, thị trường đang thở phào vì cuối cùng cơ quan tiền tệ quyền lực nhất thế giới đã khẳng định, kinh tế Mỹ và kinh tế các nước phát triển đang có khả năng phục hồi vững chắc.
Như ông nói, yếu tố Fed tăng lãi suất đã được thị trường thẩm thấu từ lâu, nhưng tại sao mấy ngày gần đây, tỷ giá lại liên tục tăng vọt chạm trần?
Tỷ giá tăng mấy ngày gần đây phản ánh nhiều vấn đề: nhu cầu ngoại tệ cuối năm là rất lớn, có thể do tác động từ chương trình chống đô la hóa của Chính phủ và cũng không loại trừ tác động của Fed. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mức tăng 30-50 đồng/USD không phải là lớn và là diễn biến bình thường của thị trường. Tôi cho rằng, tỷ giá vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của NHNN.
Không chỉ tăng lãi suất lần này, Fed dự định sẽ điều chỉnh lãi suất 4 lần nữa trong năm 2016 với mức điều chỉnh mỗi lần khoảng 0,25%. Thêm vào đó, từ tháng 10/2016, đồng nhân dân tệ được đưa vào giỏ quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Điều này tạo áp lực thế nào với tỷ giá năm 2016, thưa ông?
Chính sách tiền tệ của Mỹ rất rõ ràng. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất năm tới là không biết Trung Quốc sẽ điều chỉnh tỷ giá ra sao, vì cách làm của Trung Quốc rất bất ngờ. Hiện đồng nhân dân tệ vẫn bị định giá cao hơn đồng USD tới 10%. Trung Quốc đang hướng chính sách phát triển sang cả xuất khẩu và thị trường nội địa. Muốn vậy, họ phải cân bằng tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, với con số 10%, chúng ta vẫn chưa biết họ sẽ làm như thế nào để cân bằng và sẽ điều chỉnh tỷ giá như thế nào. Cho nên, tôi cho rằng, chính sách hối đoái của chúng ta năm 2016 cần rất linh hoạt, vừa bò trườn, vừa linh hoạt.
Sự linh hoạt như ông nói, cụ thể là thế nào? Liệu chúng ta có dự trữ ngoại hối bằng nhân dân tệ để giảm tác động rủi ro từ thị trường Trung Quốc?
Cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt có thể thực hiện bằng nhiều cách, như nới biên độ, điều chỉnh tỷ giá gốc… Và đã linh hoạt, chúng ta cũng không cần đưa ra cam kết tỷ giá ngay từ đầu năm.
Còn với dự trữ bằng nhân dân tệ, theo tôi là chưa cần vì tổng dự trữ nhân dân tệ trong giỏ rút vốn của IMF chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Hơn nữa, đồng nhân dân tệ không được đánh giá cao về tính thanh khoản, khả năng chuyển đổi.
Thùy Liên

Theo baodautu.vn