Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) (Kiêm nhiệm Ô-man) cho biết, năm 2015 đã liên tục tiếp nhận, xử lý, cũng như phát hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp Việt Nam nhận được chào bán, mua hàng hóa, ký kết hợp đồng giao dịch xuất nhập khẩu mang tính lừa đảo, gian lận từ một số doanh nghiệp có trụ sở tại UAE.
Tổng số tiền mà Thương vụ ghi nhận và góp phần nhằm ngăn chặn, hạn chế mất mát cho doanh nghiệp lên đến gần 4 triệu USD với 8 vụ việc.






Linh kiện điện tử, máy vi tính, thủy sản...Việt Nam được xuất khẩu nhiều sang thị trường UAE trong đó, nếu không cẩn trọng, DN dễ bị bẫy lừa từ các đối tác UAE.



Mặc dù đã có các cảnh báo, lưu ý đối với các doanh nghiệp Việt Nam về những hình thức lừa đảo, gian lận của các doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên do sự chủ quan, tâm lý hám lợi, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế nên vẫn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị lừa, thiệt hại nặng trong quá trình giao thương.
Thương vụ Việt Nam tại UAE chuyển tải nội dung vụ việc tiêu điểm nhất để doanh nghiệp trong nước khi làm ăn với các doanh nghiệp có trụ sở tại UAE đặc biệt lưu ý để tránh rủi ro có thể xảy ra.
Một trong các hình thức lừa đảo thường thấy nhất là việc làm giả chứng từ L/C, cài người lấy chứng từ xuất khẩu. Ngoài ra, việc thực hiện giao dịch thương mại và thanh toán quốc tế thông qua hình thức đặt cọc một phần trị giá hợp đồng, phần còn lại thanh toán theo phương thức D/P cũng được nhiều đối tượng lừa đảo lựa chọn.
Sau khi doanh nghiệp tiến hành giao hàng, lập chứng từ thanh toán và gửi cho đối tác, doanh nghiệp không nhận được số tiền còn lại và mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt.
Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của hai bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi sát tiến trình đàm phán. Khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng hóa thì hack hộp mail để gửi thông tin tài khoản lừa đảo. Sau khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.
Thương vụ Việt Nam tại Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) đã đưa khuyến cáo nhằm tránh thiệt hại bị lừa đảo cho DN Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực làm công tác xuất nhập khẩu, phát triển thị trường, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật.
Về phương thức thanh toán, cần thương lượng với đối tác để sử dụng hình thức thư tín dụng L/C không hủy ngang hoặc bảo đảm của ngân hàng có uy tín quốc tế để phòng ngừa nguy cơ không thanh toán hoặc gian lận của người mua. Khi đối tác mở L/C, cần đề nghị ngân hàng Việt Nam kiểm tra tính xác thực của L/C trước khi giao chứng từ. Chỉ áp dụng phương thức đặt cọc khi đã biết rõ mức độ tín nhiệm và có thời gian giao dịch đủ dài với đối tác (mức đặt cọc tối thiểu 20-30%).
Hiện tại, giá cả hầu hết các hàng hóa đều được cập nhật rõ ràng qua thông tin thị trường hoặc các trang web hàng hóa quốc tế. Do đó, khi có đơn hỏi mua hàng trả giá cao quá, hoặc đơn bán hàng chào giá thấp quá so với mặt bằng, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, kiểm tra kỹ độ tin cậy để tránh bị lừa.
Về phương thức mua hàng, cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu.
Đặc biệt, phải tiến hành sàng lọc và xác minh rõ các đối tác, đặc biệt là đối tác mới lần đầu giao dịch, đề nghị cung cấp giấy phép kinh doanh và các giấy tờ liên quan. Cần sang trực tiếp địa bàn để thẩm định và làm việc với đối tác.
Đối với các đơn hàng ký kết lần đầu với đối tác mới, cần liên hệ với Thương vụ Đại sứ quán (email: vntrade@emirates.net.ae) để đề nghị hỗ trợ, xác minh về pháp nhân, uy tín của đối tác.
Thế Hải

Theo baodautu.vn